Theo Bộ trên, đoàn Hàn Quốc gồm khoảng 150 người, do Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon và lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Hae-chan dẫn đầu, sẽ tới Bình Nhưỡng ngày 4/10 và lưu lại trong 3 ngày.
Trong thời gian này, phái đoàn sẽ tham gia các sự kiện kỷ niệm 11 năm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi năm 2007 tại Bình Nhưỡng giữa Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un.
Kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh này, hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung 4/10/2007, trong đó, kêu gọi hai miền Triều Tiên hợp tác xây dựng lòng tin lẫn nhau, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Kể từ đó đến nay, đây là lần đầu tiên hai miền Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm cuộc gặp thượng đỉnh năm 2007. Một quan chức của bộ trên cho biết trong chuyến thăm 3 ngày nói trên, đoàn đại biểu Hàn Quốc sẽ tham quan các cơ sở lớn ở Triều Tiên và tham dự các buổi biểu diễn.
Bên lề sự kiện này, hai miền Triều Tiên dự kiến sẽ tổ chức đàm phán cấp chính phủ để thảo luận các biện pháp tiếp theo về thỏa thuận mà lãnh đạo hai bên đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 9 vừa qua ở Bình Nhưỡng.
Trước đó, ngày 1/10, nhiều nghị sỹ các đảng phái khác nhau tại Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của lãnh đạo đảng Công lý đối lập thiểu số của Hàn Quốc ông Lee Jeong-mi về kêu gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc nếu ông có chuyến thăm Seoul.
Nghị sỹ Ha Tae-kyung thuộc đảng đối lập Bareun Mirae nhấn mạnh: "Quốc hội cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi Triều Tiên. Chúng ta nên mời ông Kim Jong-un tới Quốc hội".
Trong khi đó, người phát ngôn đảng Hàn Quốc Tự do, ông Lee Yang-soo, bày tỏ thận trọng hơn đối với đề xuất trên, chỉ ra rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa được quyết định, đồng thời nhấn mạnh không có lý do từ chối ông Kim Jong-un có bài phát biểu tại Quốc hội Hàn Quốc, nhưng chỉ khi ông thực hiện các biện pháp quan trọng nhằm phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang đã gặp lãnh đạo 5 chính đảng để đề nghị họ giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại quốc hội liên Triều. Ông nói: "Chúng tôi đang cân nhắc tiến hành đối thoại vào tháng 11 tới, với một phái đoàn quốc hội Hàn Quốc gồm khoảng 30 người".
Quan hệ giữa hai miền liên Triều đang chứng kiến những chuyển động mang tính đột phá với hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba trong năm nay giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Sau hai ngày làm việc 18-19/9 tại Bình Nhưỡng, lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố chung Tháng 9 và tái khẳng định “Tuyên bố Panmunjom” đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tháng 4/2018 đã đặt nền tảng cho một kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí biến vùng biên giới liên Triều thành khu vực hòa bình, theo đó Bình Nhưỡng và Seoul sẽ rút 11 trạm biên phòng của mỗi bên trước cuối năm nay, nhằm giảm các hành động thù địch. Hai bên sẽ thiết lập một vùng đệm gần đường ranh giới quân sự chia cắt hai miền trên Biển Hoàng Hải cũng như trên bộ để ngừng các cuộc diễn tập pháo binh, hải quân.
Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ lập vùng cấm bay tại khu vực biên giới nhằm tránh các vụ tai nạn, va chạm đáng tiếc. Các cuộc tập trận gần đường ranh giới quân sự liên Triều sẽ chấm dứt từ ngày 1/11 tới, đồng thời triển khai việc dỡ bỏ các bãi mìn.