Theo kênh CNN, ngày 30/7, Porsche SE đã thông báo đầu tư vào công ty khởi nghiệp vũ trụ Isar Aerospace của Đức nhằm cạnh tranh với Blue Origin và SpaceX trong dịch vụ phóng vệ tinh và sản xuất rocket.
Khi Blue Origin và SpaceX được các tỷ phú hậu thuẫn mạnh và đã chạy đua nhau trong sứ mệnh vũ trụ có người lái, công ty Isar Aerospace cho rằng mình có thể cạnh tranh trong thị trường ngày càng phát triển này để phóng vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo Trái đất. Công ty đang lên kế hoạch phóng thử nghiệm lần đầu tiên vào năm tới.
Porsche SE đang đầu tư vào Isar Aeurospace cùng với công ty đầu tư mạo hiểm HV Capital và ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier. Porsche SE đầu tư 75 triệu USD vào Isar Aeurospace, tham gia vào vòng gọi vốn trị giá 165 triệu USD với các nhà đầu tư hiện nay. Porsche Se cho biết sẽ nhận được cổ phần hai con số.
Trong tuyên bố phát ngày 28/7, Isar Aerospace nói: “Việc gọi vốn sẽ giúp Isar Aerospace đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng sản xuất, thử nghiệm và phóng dành cho các hoạt động thương mại và sản xuất rocket tự động”.
Nhu cầu thương mại về phóng vệ tinh nhỏ dự kiến tăng mạnh trong những năm tới khi các công ty trong các ngành mới nổi và truyền thống ngày càng phục thuộc vào công nghệ vệ tinh để chạy các ứng dụng phần mềm.
Tháng trước, SpaceX đưa 88 vệ tinh của nhiều khách hàng lên quỹ đạo trong một lần phóng rocket duy nhất. Cùng ngày, Virgin Orbit (thuộc tập đoàn Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson) đã đưa vệ tinh của Bộ Quốc phòng Mỹ, công ty khởi nghiệp Ba Lan SatRevolution và Lực lượng Không quân Hà Lan vào vũ trụ.
Isar Aerospace nhận định: “Vũ trụ sẽ là nền tảng công nghệ cho nhiều ngành trên thế giới, từ ô tô cho tới viễn thông, mang lại tiến bộ và khả năng mới cho thế giới Internet vạn vật, lưu trữ và mã hóa dữ liệu, ứng dụng nông nghiệp thông minh, giám sát đối phó với biến đổi khí hậu”.
Theo công ty này, thị trường dịch vụ phóng vệ tinh vào vũ trụ toàn cầu sẽ tăng lên trên 35,4 tỷ USD vào năm 2027, gần 1/3 trong số đó sẽ bắt nguồn từ triển khai vệ tinh vừa và nhỏ.
Mặc dù hợp đồng này tương đối nhỏ với Porsche SE nhưng đây là động thái đáng chú ý với một doanh nghiệp đầu tư mạnh vào ô tô và là ví dụ mới nhất về cuộc đua vũ trụ đang bắt đầu tăng tốc giữa công ty tư nhân và các tỷ phú chống lưng.
Ông Lutz Meschke, Giám đốc điều hành phụ trách quản lý đầu tư của Porsche SE cho biết: “Chúng tôi tin rằng hiệu quả chi phí và tiếp cận linh hoạt với vũ trụ sẽ là động lực đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Với Isar Aerospace, chúng tôi đang đầu tư vào một công ty có khả năng lớn trong trở thành nhà sản xuất phương tiện phóng hàng đầu châu Âu.
Isar Aerospace đã gây quỹ được 180 triệu USD từ năm 2018. Công ty này là công ty dịch vụ phóng tư nhân phát triển nhanh nhất ở Liên minh châu Âu.
Tháng 5, cơ quan vũ trụ Đức đã trao cho công ty này hợp đồng phóng 2 vệ tinh vào quỹ đạo cho chính phủ Đức.