Các nhà chức trách quân sự của Niger, những người đã giành quyền lực từ Tổng thống Mohamed Bazoum trong cuộc đảo chính vào tuần trước, đã cấm xuất khẩu uranium và vàng sang Pháp với "hiệu lực ngay lập tức" từ ngày 30/7.
Tướng Abdourahamane Tchiani, lãnh đạo của hội đồng chuyển tiếp mới thành lập, đã công bố quyết định này, theo cổng thông tin Al Mayadeen.
Hàng nghìn người ủng hộ chính quyền đã hoan nghênh động thái trên trong các cuộc biểu tình chống Pháp, đốt cờ Pháp ở thủ đô Niamey.
“Chúng tôi có uranium, kim cương, vàng và dầu, và chúng tôi sống như những nô lệ? Chúng tôi không cần người Pháp giữ an toàn cho chúng tôi”, cổng thông tin trên dẫn lời một trong những người biểu tình nói.
Niger là nước sản xuất uranium lớn thứ bảy thế giới, chiếm 5% sản lượng toàn cầu, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới. Các phương tiện truyền thông Pháp đưa tin cho biết nguồn cung từ Niger chiếm 15% -17% lượng uranium được sử dụng ở Pháp để sản xuất điện.
Euratom – Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử Châu Âu – nói với Reuters ngày 1/8 rằng quốc gia Tây Phi này là nhà cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ hai cho EU vào năm ngoái. Theo cơ quan này, không có mối đe dọa ngay lập tức đối với sản xuất điện hạt nhân nếu Niger ngừng cung cấp vì các cơ sở ở EU có đủ lượng uranium dự trữ để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng điện hạt nhân trong ba năm.
Alexander Uvarov, biên tập viên tại trang web tin tức hạt nhân Atominfo của Nga, nói với hãng tin TASS rằng tác động tức thời của việc cắt giảm xuất khẩu uranium của Niger đối với ngành điện hạt nhân của Pháp sẽ không đáng kể, nhưng giá uranium toàn cầu có thể sẽ tăng.
Công ty nhà nước Orano của Pháp, điều hành một mỏ uranium ở Niger, cho biết hôm 1/8 rằng họ đang theo dõi tình hình an ninh ở quốc gia từng là thuộc địa của Pháp. “Nhóm tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn do Đại sứ quán Pháp đưa ra để tạo cơ hội cho nhân viên rời khỏi Niger nếu họ muốn,” ông Orano nói.
Trước đó, công ty đã tuyên bố rằng các hoạt động khai thác quặng uranium sẽ tiếp tục bất chấp “các sự kiện an ninh” đang diễn ra.
Pháp tuyên bố hôm 1/8 rằng họ sẽ sơ tán công dân Pháp và châu Âu khỏi Niamey, với lý do các cuộc tấn công vào đại sứ quán của Paris sau cuộc đảo chính ngày 26/7.
Trong khi đó, chính quyền quân sự Niger cáo buộc lực lượng an ninh Pháp đã tấn công người biểu tình tuần hành ủng hộ cuộc đảo chính và phản đối sự hiện diện của Pháp tại nước này vào ngày 30/7. Theo các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính, sáu người đã bị thương trong sự vụ.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Pháp phủ nhận việc sử dụng vũ lực gây chết người đối với những người biểu tình.
Cộng hòa Niger là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 đã lật đổ Tổng thống Bazoum, người được đánh giá là ủng hộ phương Tây. Tướng Abdourahamane Tiani, chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống, thông báo ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc, hội đồng chuyển tiếp sau vụ đảo chính.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án vụ đảo chính ở Niger. EU tuyên bố không công nhận phe đảo chính, đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điện đàm với ông Bazoum và cam kết sẽ đảm bảo khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.
Phe đảo chính đã cáo buộc Pháp "đang tìm cách can thiệp quân sự vào Niger. Tuy nhiên, Paris bác bỏ tuyên bố này.
"Điều này hoàn toàn sai", Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 31/7 nói khi được hỏi về cáo buộc của chính quyền quân sự Niger, đồng thời nhận định vẫn có thể khôi phục quyền lực cho cựu tổng thống Mohamed Bazoum, người bị lật đổ tuần trước. "Điều này là cần thiết vì tình hình bất ổn đó rất nguy hiểm cho Niger và các nước láng giềng", bà Colonna nói.
Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày tuyên bố chỉ công nhận chính phủ của ông Bazoum, đồng thời cho biết ưu tiên của họ là đảm bảo an toàn cho công dân và hạ tầng của Pháp tại quốc gia châu Phi này.