Bosnia & Herzegovina đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi tách khỏi Liên bang Nam Tư, với làn sóng biểu tình lan rộng trên khắp cả nước, có sự tham gia của nhiều bộ phận dân cư. Đây không chỉ là biến động chính trị - xã hội ở quốc gia này, mà còn cả là hình ảnh phản chiếu cho cả khu vực Balkan.
“Từ Mùa xuân Bosnia...”Ngày 10/2, một cảnh tượng hiếm có đã xuất hiện tại thủ đô Sarajevo của Bosnia & Herzegovina: Một phụ nữ đứng trước hàng rào cảnh sát và hét to “Hãy đứng về phía chúng tôi, về với chúng tôi...”, liền sau đó là hình ảnh một cảnh sát bật khóc, nước mắt lăn dài. Cùng thời điểm này, làn sóng biểu tình cũng đã xảy ra ở hàng loạt các thành phố khác như Bugojno, Visoko, Velika Kladusa, Bosanska Krupa... với các đám đông tụ tập trước trụ sở công quyền đưa yêu sách đòi thay đổi. Cho đến nay, chính quyền của ba thành phố thuộc Liên bang, Tuzla, Zenica và Sarajevo đã phải tuyên bố từ chức. Thủ tướng Nermin Niksic tuyên bố, nếu người dân yêu cầu từ chức, ông sẽ làm. Nhưng dường như đó đó không phải là sự chấm hết, mà chỉ là khởi đầu. Người ta đã bắt đầu nói đến “Mùa xuân Bosnia”. Biểu tình lần này ở Bosnia & Herzegovina xuất phát từ những túng quẫn trong xã hội, là sự phản ánh mâu thuẫn xã hội, với tỉ lệ thấ nghiệp lên tới hơn 44%, đặc biệt cao trong giới trẻ (58%).
Người biểu tình trước hàng rào cảnh sát. Ảnh: EPA |
Làn sóng biểu tình khởi nguồn từ thành phố Tuzla, với việc công nhân làm việc bị mất việc làm phản đối kế hoạch tư nhân hóa, sau đó lan rộng trên cả nước, với sự tham gia đông đảo của thanh niên, nhân công, người già, cựu binh... Các cuộc biểu tình được tổ chức khác nhau, do các tổ chức xã hội, nghề nghiệp như hiệp hội công dân, phong trào lao động, thanh niên lãnh đạo và không có liên quan đến bất kì một đảng phái chính trị nào. Thế nhưng, người biểu tình có trung một mục tiêu đấu tranh: Chính phủ phải từ chức, giảm lương đối với các quan chức chính phủ, thực hiện dịch vụ y tế tốt, công bằng, chống tham nhũng, nhất là trong tiến trình tư nhân hóa các nhà máy, xí nghiệp vừa qua. Người biểu tình cũng có một niềm đau chung về tình cảnh bất công: Khi mà thu nhập bình quân người dân Bosnia Herzgovina mới chỉ là 400 euro/tháng, thì lương của quan chức chính phủ là 3.000 euro. Bị kích động bởi sự bất bình đẳng chính trị và xã hội này, người biểu tình từ chống tham nhũng và tư nhân hóa đã đề ra những yêu sách ngày một dài.
“Đến Mùa xuân Balkan?”Khi mà biểu tình bùng phát mạnh ở Bosnia & Herzgovina, không có gì là ngạc nhiên khi Nghiệp đoàn cảnh sát Serbia lập tức ra thông báo cảnh báo “Mùa xuân Bosnia” có thể sẽ lan sang nước láng giềng Serbia. Thông báo này có điểm rất đáng chú ý: “Cảnh sát (Bosnia & Herzgovina) cũng chính là những người bị bần cùng hóa, là công cụ trong tay của chính phủ, không có trang bị, không nhà cửa, gia đình đứng bên bờ nghèo đói, bị đưa vào trò chơi chính trị của các đời Bộ trưởng Nội vụ”. Nghiệp đoàn này cũng cảnh tỉnh chính phủ, nếu mùa xuân “Bosnia” tiến vào Serbia, sẽ không có gì bảo vệ được được.
Nếu như cảnh sát Serbia thực sự quan ngại về tình hình tại Balkan, thì vấn đề còn lại có lẽ chỉ là: Khi nào thì biểu tình sẽ nổ ra tại Serbia và Croatia. Đã một thời, Tuzla, giống như Sarajevo và Zenica, là thành phố công nghiệp phát triển bậc nhất của Liên bang Nam Tư. Tất cả đã hoàn toàn bị phi công nghiệp, bị tàn phá bởi cái gọi là “chuyển đổi” để đáp ứng theo định hướng hội nhập với phương Tây. Thế nhưng ngay cả sự “chuyển đổi” này cũng không mang lại quả ngọt, với những gì đang diễn ra ở Croatia - nước mới gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Đã không có cái gọi là “chuyển đổi tự do” đối với người dân Balkan. Tỉ lệ thất nghiệp tại Croatia hiện đã vọt lên 52%, đứng hàng thứ 3 ở châu Âu, chỉ sau Tây Ban Nha (56%) và Hy Lạp (60%).
Khái niệm “Mùa xuân Balkan” có thể gây tranh cãi, vì ở Balkan người ta không thấy có một Hosni Mubarak hay Ben Ali. Thế nhưng “nồi nước nóng” ở khu vực này thì luôn âm ỉ, chỉ trực bùng sôi - đó là sự bất mãn của người dân đối với chính quyền, kèm theo cuộc sống bức bách. Cái đang hiện rõ ở Balkan hiện nay là thứ “Chủ nghĩa tự do mới” mà ở đó thay vì giúp đỡ người nghèo, thì chính phủ lại trợ giúp cho lớp người giàu có qua tiến trình tư nhân hóa ồ ạt, chỉ làm lợi cho một số ít cá nhân, có cùng lợi ích đối với giới chức chính phủ. Tại thời điểm này, chẳng ai có thể biết “lò lửa” Balkan sẽ đi về đâu. Chỉ có một điều giờ đã thành sự thực: Balkan trở thành “Trái tim Bóng tối” của châu Âu mà ở đó bạo lực có thể bùng phát bất kì lúc nào.
Hoài Thanh