Những cái tên trong danh sách 89 người cao tuổi Hàn Quốc được hội ngộ 185 người thân của mình sống ở Triều Tiên trong đợt một, hay 81 người phía Triều Tiên được gặp lại 326 người thân ly tán đang sống ở Hàn Quốc trong đợt hai, đã trải qua những thời khắc “trong mơ” khi niềm khát khao cháy bỏng được một lần trực tiếp cầm tay người thân sau hàng chục năm bặt tin, cuối cùng đã trở thành hiện thực. Song, đằng sau cuộc hội ngộ chóng vánh của những người may mắn được tham gia chương trình đoàn tụ lần này, là nỗi niềm của hàng triệu gia đình ly tán, của hơn 132.000 người từng đăng ký gặp lại người thân ở bên kia biên giới, trong đó 75.234 người không chờ được một cơ hội bởi đã qua đời.
Chương trình đoàn tụ lần thứ 21 này là kết quả trực tiếp và cụ thể của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4 vừa qua, cũng là dấu mốc mới trong xu thế cải thiện quan hệ giữa hai miền. Hình ảnh những cụ ông, cụ bà đã vào độ tuổi “gần đất xa trời”, nghẹn ngào cố tìm lại nét thân quen trên gương mặt những người ruột thịt đã cách xa hơn nửa thế kỷ, trong thời tiết nóng như thiêu đốt của đợt đoàn tụ đầu tiên, hay trong 3 ngày 2 đêm mưa bão của đợt hai, đã thực sự gây xúc động. Giống như 20 chương trình trước, vốn lần đầu tiên được tổ chức tháng 8/2000, trong 1 tuần đoàn tụ lần này, mỗi thành viên trong các gia đình ly tán gặp nhau là một hoàn cảnh, một câu chuyện đẫm nước mắt, song cuộc gặp năm nay dường như có ý nghĩa đặc biệt. Cuộc gặp mặt diễn ra khi cuộc chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc tròn 65 năm, song bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có một nền hòa bình đúng nghĩa và những người dân vẫn mong mỏi về một tương lai thống nhất hai miền để các gia đình ly tán có thể đoàn tụ. Tựu trung lại, đây là những gia đình cực kỳ may mắn bởi cơ hội được tham gia các cuộc đoàn tụ như thế này là hết sức mong manh. Nếu tính cả 7 cuộc gặp qua cầu truyền hình, khoảng 21.000 người ở cả hai miền đã được nhìn thấy người thân, song con số này thực sự không thấm vào đâu nếu so sánh với tổng số 132.124 người thuộc các gia đình ly tán đã đăng ký đoàn tụ tính từ năm 1988.
Ý nghĩa của các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên không chỉ ở tính nhân văn, làm dịu bớt nỗi đau chia cắt do chiến tranh để lại, mà đây còn được xem là một biểu tượng của tiến trình hòa giải hai miền. Đây cũng là vấn đề nhân đạo hết sức cấp thiết trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hàng triệu gia đình đã bị cuộc chiến tranh Triều Tiên chia cắt hàng thập niên qua. Đa số họ lạc mất người thân, không biết người nhà của mình còn sống hay đã chết do hai miền Triều Tiên cấm công dân liên lạc bằng thư tay, thư điện tử hay điện thoại. Những người muốn thăm thân nhân tại Triều Tiên phải nộp đơn lên chính quyền.
Nếu tính từ thời điểm tháng 8/1972, khi lần đầu tiên các quan chức hội chữ thập Đỏ hai miền Triều Tiên gặp nhau để thảo luận về vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh, thì rõ ràng chặng đường để thực hiện mục tiêu mang tính nhân đạo này thực sự rất chông gai. Hai miền từng đạt thỏa thuận tiến hành chương trình đoàn tụ vào năm 1988, song mãi tới tháng 8/2000, với hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử lần đầu tiên, ước vọng đoàn tụ các gia đình bị ly tán giữa hai miền Triều Tiên theo hình thức như hiện nay mới được thực hiện. Tuy nhiên, mỗi lần quan hệ hai miền gặp trục trặc hoặc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng thì các cuộc đoàn tụ như thế này lại bị gián đoạn. Tính từ năm 2000 tới năm 2015, đã có ít nhất 3 chương trình đoàn tụ đã được lên kế hoạch chi tiết bị hoãn do những bất đồng trong quan hệ giữa hai bên, mà thời gian trì hoãn kéo dài hàng năm. Bởi vậy việc nối lại cuộc đoàn tụ lần này sau khoảng 3 năm gián đoạn có thể xem là bước đi thể hiện thiện chí và nỗ lực của cả hai miền trong một mục tiêu chung.
Chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán lần thứ 21 đã được tổ chức thành công. Việc đẩy mạnh những cuộc đoàn tụ như thế này cũng đã được khẳng định trong Tuyên bố chung Panmunjom giữa lãnh đạo hai miền ngày 27/4. Tuy nhiên, ngày kết thúc chương trình đoàn tụ cũng là ngày đánh dấu một cuộc chia tay mới, có thể là chia tay vĩnh viễn bởi theo thông lệ những người đã được gặp mặt thân nhân sẽ không còn được tham gia các chương trình tiếp theo.
Nhiều năm qua, các chính trị gia Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo cơ hội cho các gia đình ly tán được đoàn tụ không còn nhiều.Thời gian chia cách càng dài, độ tuổi của các thành viên trong gia đình ly tán càng lớn và họ ngày càng ít có cơ hội gặp lại ông bà, cha mẹ, con cái hay anh chị em của mình. Trong số khoảng 132.000 người Hàn Quốc đã nộp đơn thông qua Hội Chữ thập đỏ xin đoàn tụ với người thân ở Triều Tiên, hơn một nửa đã qua đời trước khi mong ước trở thành hiện thực, chỉ còn lại 56.890 người còn sống. Trong số những người còn sống, có tới 48.703 người trên 70 tuổi, chiếm 85,6%.
Thông báo của đại điện hội chữ thập Đỏ Hàn Quốc về việc hai miền đã nhất trí xúc tiến thêm một cuộc đoàn tụ nữa trong năm nay theo cách thức như cuộc đoàn tụ lần thứ 21 này, là tin mừng cho những gia đình ly tán trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều người bày tỏ hy vọng, với các động thái thiện chí của cả hai miền Triều Tiên trong những tháng gần đây, các cuộc đoàn tụ tương tự sẽ được tổ chức đều đặn hơn trong thời gian tới, có thể là 1 hay 2 lần trong 1 năm. Có ý kiến cho rằng cách tốt nhất là nên lập các trung tâm đoàn tụ ở hai bên biên giới liên Triều để các gia đình ly tán có thể gặp nhau bất cứ khi nào họ muốn. Nhiều người thậm chí mơ về một tương lai hòa bình, nơi họ được tự do đi lại gặp mặt người thân ở bên kia biên giới. Tất cả đang phụ thuộc vào nỗ lực, thiện chí và quyết tâm của cả Hàn Quốc và Triều Tiên, để những người thân bị chia cắt ở hai miền có thể có những cuộc đoàn tụ thực sự, chứ không chỉ là những cuộc gặp ngắn ngủi trong mấy giờ đồng hồ.