Trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, Thủ tướng Conte cho biết các nước gồm Pháp, Đức, Romania, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Luxembourg đã thông báo "sẵn sàng chào đón những người di cư".
Con tàu tìm kiếm, cứu nạn Open Arms của tổ chức nhân đạo Proactiva Tây Ban Nha đã bị mắc kẹt tại Địa Trung Hải gần 2 tuần sau khi Bộ trưởng Nội vụ Italy Salvini đầu tháng 8 này đưa ra lệnh cấm các tàu cứu người di cư được phép cập bến. Theo đó, Open Arms có thể bị phạt tới 1 triệu euro (1,1 triệu USD) và bị thu giữ nếu vi phạm.
Open Arms đã gửi đơn kháng cáo lên tòa án để yêu cầu được phép cập cảng Italy, cho rằng con tàu nhân đạo này có quyền đưa người di cư đến nơi an toàn theo luật biển quốc tế. Ngày 14/8, một tòa án hành chính Italy đã ủng hộ đơn kháng cáo của tàu Open Arms, theo đó đình chỉ quyết định của Bộ Nội vụ cấm con tàu này cùng khoảng 150 người di cư đi vào lãnh hải Italy.
Ngày 13/8 vừa qua, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi các nước EU khẩn cấp tiếp nhận 500 người mới được cứu nhưng vẫn mắc kẹt ở Địa Trung Hải trong bối cảnh "Lục địa già" chưa đạt được thống nhất về việc quốc gia nào sẽ tiếp nhận số người di cư này.
Ngoài số người di cư trên tàu Open Arms, 356 người di cư đang ở trên tàu Ocean Viking, 2 tổ chức nhân đạo của Pháp là Bác sĩ không biên giới (MSF) và SOS Địa Trung Hải vận hành. Theo báo cáo của UNHCR, khoảng 600 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên vùng biển giữa Libya và Italy kể từ đầu năm đến nay.