Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới đứng trước rủi ro trong năm 2019, nhu cầu thiết lập hợp tác quốc tế cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo WEF, thế giới đang ở trong một giai đoạn phân hóa sau thời gian toàn cầu hóa. Triển vọng kinh tế ảm đạm dường như làm giảm tiềm năng hợp tác quốc tế trong năm 2019.
Năm 2018, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm hơn dự báo của hầu hết chuyên gia, trong lúc các thị trường chứng khoán ghi nhận năm tồi tệ nhất trong một thập niên qua. Một số ý kiến cho rằng tình trạng này là do cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tác động đến giao thương, sau khi hai nước áp thuế quan lên lượng hàng hóa trị giá nhiều tỷ USD của nhau. Gần 90% chuyên gia dự đoán việc các luật lệ quy định và thỏa thuận thương mại toàn cầu "tiếp tục bị bào mòn" sẽ cản trở đà tăng trưởng trên thế giới.
Báo cáo trên của WEF dựa trên ý kiến đánh giá của khoảng 1.000 chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu.
Hội nghị WEF 2019 sẽ diễn ra từ ngày 22 - 25/1 tới tại Davos (Thụy Sĩ), quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế.
Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới.
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ là một trong những vấn đề được thảo luận chính tại WEF 2019. Trong khi đó, vấn đề Brexit cũng sẽ nằm trong những chủ đề được bàn thảo tại hội nghị, sau khi Hạ viện Anh không thông qua thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU hồi cuối năm 2018.