Đài Sputnik dẫn thông báo của Bộ Môi trường, Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết gần 8.000 tòa nhà ở 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng bởi trận động đất tàn khốc cần phải được phá hủy khẩn cấp để đảm bảo an toàn.
Khoảng 6.000 nhân viên của bộ trên hiện đang đánh giá tình trạng của các tòa nhà tại các tỉnh bị động đất.
"Cho đến nay, chúng tôi đã kiểm tra 132.898 tòa nhà ở 10 tỉnh, trong số đó, 7.584 tòa nhà bị sập hoặc cần phải phá hủy khẩn cấp và 12.617 tòa nhà đang trong tình trạng không thể ở được do bị hư hại", tuyên bố viết.
Bộ trên cho biết thêm, hơn 31.000 tòa nhà bị hư hại nhẹ do trận động đất, trong khi hơn 60.000 tòa nhà không bị ảnh hưởng.
Theo dự kiến của Bộ này, việc kiểm tra toàn bộ các tòa nhà tại 10 tỉnh sẽ hoàn thành trong vòng 3 - 4 ngày tới.
Trong khi đó, số người thiệt mạng trong loạt trận động đất và dư chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria đã vượt qua con số 29.000 người. Các nỗ lực cứu hộ vẫn tiếp tục, một số nạn nhân được cứu sống sau gần 150 giờ đồng hồ kẹt trong đống đổ nát.
Trang Al Jazeera cho biết, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 24.617 vào ngày 12/2 trong khi ở Syria, có hơn 4.500 người thiệt mạng.
Liên hợp quốc cho biết có tới 5,3 triệu người ở Syria có thể mất nhà cửa sau thảm họa động đất, trong khi gần 900.000 người đang cần đồ ăn nóng khẩn cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành mọi nỗ lực nhằm tránh xảy ra một thảm họa y tế cộng đồng. Đưa tin từ Antakya, phóng viên của Al Jazeera nói rằng một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang rình rập các khu vực bị động đất tàn phá.
“Một trong những thách thức là chính phủ muốn di dời người dân khỏi các khu vực để ngăn chặn thảm họa sức khỏe cộng đồng, không khí dày đặc khói và bụi, không có điều kiện vệ sinh, người dân vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát và đang ngủ ngoài trời", phóng viên Al Jazeera cho biết.
“Chính phủ cần đưa người dân ra khỏi những khu vực này, để họ có thể bắt đầu tìm cách xây dựng lại, cố gắng dọn dẹp đống đổ nát và cũng để họ có thể duy trì sức khỏe cộng đồng.”
Theo Al Jazeera, gần một tuần sau thảm họa, các cư dân ở Istanbul vẫn đang lo sợ động đất có thể tiếp tục xảy ra.
“Chúng tôi sống trong đau khổ”, Aysegul Rahvanci, một cư dân lâu năm của Istanbul, nói về nỗi sợ hãi một trận động đất mạnh khác có thể xảy ra trong thành phố.
Thổ Nhĩ Kỳ dễ xảy ra động đất vì nước này nằm trong khu vực có nhiều mảng kiến tạo gặp nhau. Động đất thường xảy ra dọc theo ranh giới giữa các mảng. Đứt gãy Bắc Anatolia, phân chia các mảng Á - Âu và Anatolian, chạy gần Istanbul.
Trước các trận động đất hôm 6/2, một trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra ở phía Tây vùng Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cũng có thành phố Istanbul, vào năm 1999 là trận động đất kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ. Thảm kịch đó đã khiến 17.500 người thiệt mạng.
Cùng ngày 12/2, chính phủ Đức thông báo những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ được phép ở tạm thời với người thân đang sinh sống tại nước này mà không cần thị thực.
“Đây là cứu trợ khẩn cấp”, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói với tờ Bild. “Chúng tôi muốn cho phép các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Syria ở Đức đưa người thân của họ từ vùng thảm họa về nhà mà không cần thủ tục visa".
Hiện có khoảng 2,9 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Đức, với hơn một nửa mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng người Syria cũng rất lớn và ước tính có khoảng 924.000 người kể từ khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel mở cửa biên giới cho người tị nạn vào năm 2015 và 2016.