Khi xuất hiện thời cơ, Mỹ sẽ bằng mọi cách thiết lập các chế độ chính trị nằm dưới sự điều khiển của phương Tây tại Trung Á. Tờ Vesti (Nga) bình luận, khi Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và người đồng cấp Uzbekistan Islam Karimov còn nắm quyền, chính sách của hai nước này sẽ không có nhiều thay đổi; Kazakhstan và Uzbekistan sẽ vẫn duy trì được sự ổn định chính trị. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này sẽ phải rời khỏi vũ đài chính trị vào một thời điểm nào đó, vì nhiều nhân tố khách quan và khi đó Trung Á sẽ phải đối mặt với những thách thức thực sự.
Tổng thống 3 nước Nga, Kazakhsatan, Belarus trong Liên minh Kinh tế Á-Âu. Ảnh: RIA Novosti
|
Theo Andrew Kazantsev, chuyên gia chính trị người Nga, các nước cộng hòa Trung Á hiện đang theo đuổi chính sách toàn phương vị, giữ khoảng cách với các nước lớn và không để các cường quốc phương Tây mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Nhưng sớm hay muộn Mỹ sẽ tìm cách dựng lên một số chính trị gia thân phương Tây – điều có thể sẽ đẩy Trung Á thành điểm nóng bất ổn.
Xét về mặt lý thuyết, chiến lược can dự tại Trung Á của Mỹ hướng đến mục đích buộc Nga phải giảm sự chú ý đối với vấn đề Ukraine, không để Moskva có điều kiện duy trì ảnh hưởng tại khu vực được xem là lãnh địa truyền thống là không gian hậu Xô Viết. Cụ thể hơn, Mỹ toan tính hiện thực hóa cái gọi là “Balkan Á-Âu”, với các điểm nóng thường trực ngay sát cửa ngõ nước Nga mà có thể bùng phát rải rác hoặc đồng thời bất cứ lúc nào. Ở tầm chiến lược, một Trung Á nằm dưới quỹ đạo của phương Tây cũng là tiền để quan trọng để Mỹ cản phá mọi liên minh kinh tế - chính trị do Nga đứng đầu, ví dụ như Liên minh kinh tế Á-Âu, quyết không để xuất hiện một tập hợp lực lượng đủ sức đối trọng với Mỹ.
Điểm khởi đầu sẽ là Kyrgyzstan?Kyrgyzstan, nước sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 9 và bầu cử Tổng thống vào đầu năm 2016, có thể sẽ là điểm đến kế tiếp của “cách mạng màu sắc”. Nếu điều đó xảy ra, cả khu vực sẽ lại đi vào bất ổn.
Richard Miles - người kiến tạo các cuộc cách mạng sắc màu. Ảnh: AP |
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã có một quyết định gây chú ý: Ông Richard Miles, quan chức diện nghỉ hưu, đã được vời lại “khẩn cấp” và được bổ nhiệm làm đại biện lâm thời của Mỹ tại Kyrgyzstan, trong khi chờ Thượng viện phê chuẩn đại sứ mới. Chưa biết ông này lưu lại bao lâu, nhưng người ta đã cảm nhận được điều bất ổn, bằng chứng là việc người dân đã tụ tập biểu tình phản đối sự xuất hiện của Miles.
Nhà ngoại giao Mỹ này được gán với biệt danh “Ông Nuland” (tương ứng là bà Victoria Nuland - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ), nhờ “hồ sơ lẫy lừng” của ông trong quá khứ. Miles chính là người kiến trúc các cuộc “cách mạng sắc màu” làn sóng đầu tiên. Đầu năm 2000, Mỹ đã giật dây một cuộc cách mạng tại Belgrade (Serbia) để đánh bại Slobodan Milosevic trong cuộc bầu cử mà ở đó ông đại sứ Miles đóng vai trò quan trọng. Đến cuối năm 2004, với tư cách là Đại sứ Mỹ ở Tbilisi (Gruzia), một lần nữa Miles lại là người “hướng dẫn” thủ lĩnh đối lập Mikhail Saakashvili lật đổ nhà lãnh đạo Eduard Shevardnadze trong cuộc “cách mạng hoa hồng”.
Thời điểm xuất hiện của Miles tại thủ đô Bishkek cũng rất đáng chú ý. Tháng 5 năm nay, Kyrgyzstan sẽ chính thức gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu, trong bối cảnh quốc gia Trung Á này được xem là có nền kinh tế yếu kém nhất so với các thành viên khác. Sau đó chưa đầy 4 tháng sẽ là kì bầu cử Quốc hội, mà ở đó nhiều khả năng đảng phái chính trị đối lập sẽ viện tới các mâu thuẫn trong xã hội (sự đối lập giữa hai miền Nam – Bắc, vấn đề sắc tộc, khó khăn kinh tế…) để hướng lái dư luận. Đó là những tiền đề cho một cuộc “cách mạng sắc màu” với sự chỉ đạo từ bên ngoài.
Hoài Thanh(Theo NEO, Sputnik)