Đề xuất "giảm dần/loại bỏ" việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mà các đại biểu của khoảng 200 nước đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg bên lề COP28, Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman tuyên bố Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - sẽ không đồng thuận với vấn đề này, khiến các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu càng thêm khó khăn.
Theo ông, Saudi Arabia cũng đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đầu tư vào năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng khi nước này nỗ lực hướng tới phát triển nền kinh tế phát thải ít carbon từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu này không bao gồm việc cắt giảm phát thải carbon trong quá trình Sauri Arabia sản xuất 8,9 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Trong khi đó, phát biểu tại COP28, ông Yasir Al-Rumayyan - Chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia - cho rằng quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch ở mỗi nước có những lộ trình khác nhau. Theo ông, các nước đang phát triển và kém phát triển khó có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, trong bối cảnh các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa dồi dào.
Hồi tuần trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng việc con người cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ là không đủ để ngăn đà tăng nhiệt của Trái Đất. Ông Guterres nhấn mạnh thế giới chỉ có thể kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 1,5 độ C nếu dừng hoàn toàn, chứ không phải cắt giảm, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Người đứng đầu LHQ đồng thời kêu gọi các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch hướng tới chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.