Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman cho biết: "Một phần dầu sụt giảm sẽ được đền bù cho khách hàng bằng dầu dự trữ".
Saudi Arabia đã xây dựng 5 cơ sở ngầm dự trữ dầu khổng lồ tại nhiều vùng khác nhau của đất nước, có sức chứa hàng chục triệu thùng dầu thành phẩm các loại để nước này sử dụng khi xảy ra khủng hoảng. Các cơ sở này đã được xây dựng từ năm 1988 đến 2009 với chi phí hàng chục tỷ USD.
Bộ trưởng Abdullaziz cho biết các vụ tấn công ngày 14/9 vừa qua làm tạm dừng nguồn cung khoảng 600 triệu m3 khí đốt. Do vậy, nguồn cung etan và khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, nguồn cung điện, nhiên liệu và nước không bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công này.
Trước đó, ngày 14/9, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, chiếm gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới.
Mặc dù lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận thực hiện vụ tấn công trên, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran tấn công vào các nhà máy này lọc dầu của Saudi Arabia. đồng thời cho rằng không có bằng chứng cho thấy những cuộc tấn công trên xuất phát từ Yemen.
Tuyên bố trên báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với Tehran, sau những dấu hiệu về khả năng tan băng trong quan hệ Mỹ - Iran sau nhiều tháng căng thẳng. Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố để ngỏ cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, có thể bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ở New York vào cuối tháng này.
Trong khi đó, về phần mình, cho đến nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn khẳng định Tehran không tìm kiếm vũ khí hạt nhân, tuyên bố sẽ không đàm phán với Mỹ chừng nào Washington chưa gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này.