Saudi Arabia sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế vào tháng tới về vấn đề Ukraine với sự tham gia của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, theo WSJ, Nga không được mời tham dự.
Khoảng 30 quốc gia đã được mời tham gia sự kiện ở Jeddah vào ngày 5 - 6/8, trong đó có Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Ai Cập, Mexico, Chile và Zambia. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao của WSJ vẫn chưa rõ có bao nhiêu quốc gia sẽ cử phái đoàn đến Saudi Arabia.
Theo các nhà ngoại giao, Anh, Nam Phi, Ba Lan và EU nằm trong số những nước đã nhận lời mời. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan dự kiến tham dự cuộc họp này.
Saudi Arabia, quốc gia có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, được chọn làm địa điểm tổ chức đàm phán một phần nhằm thuyết phục Bắc Kinh đến. Nhưng nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ không đến cuộc họp.
Các đàm phán mới ở Saudi Arabia diễn ra sau cuộc họp tương tự ở Copenhagen, Đan Mạch, vào cuối tháng 6. WSJ cho rằng đó là một nỗ lực của phương Tây nhằm “giành sự ủng hộ từ các nước lớn đang phát triển, nhiều nước trong số đó đã trung lập trong cuộc chiến Ukraine” về chính sách hòa bình của chính phủ Kiev.
Trong sự kiện ở Copenhagen, nhóm các nước đang phát triển đã nói rõ rằng họ sẽ không ký vào kế hoạch của Ukraine.
Nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm và được phương Tây ủng hộ. Giải pháp của ông Zelensky kêu gọi Nga rút lực lượng khỏi khu vực mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, bồi thường thiệt hại và trao trả tù binh... Điện Kremlin đã bác bỏ những điều khoản đó là phi thực tế. Moskva nhận xét chúng là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào.
Những người tổ chức đàm phán ở Jeddah hy vọng rằng họ sẽ mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế lớn hơn vào cuối năm nay, nơi các nhà lãnh đạo sẽ ký kết các nguyên tắc chung để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Các nhà ngoại giao cho biết họ hy vọng rằng những nguyên tắc đó sẽ định hình các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa Moksva và Kiev.
Trong Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại St. Petersburg hôm 28/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông tin tưởng rằng “mọi khác biệt phải được giải quyết trên bàn đàm phán”.
Nga sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng "vấn đề là họ từ chối nói chuyện với chúng tôi", ông Putin nói, đề cập đến Ukraine và các nước ủng hộ Mỹ phương Tây.
Về phần lập trường của Điện Kremlin, Nga muốn Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập các khối quân sự hay liên minh nào, cũng như từ chối sở hữu kho vũ khí hạt nhân riêng.
Nga đặt mục tiêu phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, giải quyết vấn đề ngôn ngữ, cũng như công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk, đồng thời công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và Sevastopol.
Ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một tháng qua, Moskva đã nhận được khoảng 30 sáng kiến hòa bình để giải quyết vấn đề ở Ukraine thông qua các kênh chính thức và không chính thức.
Bà Zakharova nhấn mạnh Điện Kremlin luôn sẵn sàng đàm phán về vấn đề giải quyết xung đột Ukraine.