Saudi Arabia ủng hộ vai trò của Nga trong OPEC+ trước sức ép trừng phạt

Kế hoạch phân bổ hạn ngạch sản lượng của OPEC+ sẽ hết hiệu lực trong ba tháng tới, trong khi khai thác dầu thô của Nga sụt giảm.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu tại al-Khurj, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Saudi Arabia gửi đi tín hiệu cho thấy Riyadh sẵn sàng sát cánh cùng Nga – một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (gọi tắt là OPEC+), bất chấp việc phương Tây siết chặt trừng phạt chống Nga cũng như khả năng Liên minh châu Âu (EU) áp trừng phạt dầu mỏ nhằm vào Moskva.

Trao đổi với tờ Financial Times (FT), Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia - Thái tử Abdulaziz bin Salman, cho biết Riyadh hy vọng sẽ thúc đẩy một thỏa thuận với OPEC+ bao gồm Nga, đồng thời khẳng định thế giới nên ghi nhớ vai trò của liên minh sản xuất dầu mỏ này.

Một thỏa thuận mới về sản lượng khai thác là một điểm nằm trong chương trình nghị sự của OPEC+, khi hạn mức (quota) sản lượng được áp dụng từ tháng 4/2020 dự kiến hết hạn trong ba tháng tới tại thời điểm các nước nhập khẩu năng lượng đang phải đối mặt với giá dầu mỏ leo thang lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Bình luận của Thái tử Abdulaziz là một tín hiệu quan trọng cho thấy sự ủng hộ của Saudi Arabia – một đồng minh quan trọng của Mỹ, đối với Nga. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh phương Tây tìm cách cô lập Nga, sản lượng dầu thô khai thác của Nga sụt giảm, làm dấy lên nghi ngờ về vị trí của Moskva trong OPEC+. Trước đó, Riyadh từ chối yêu cầu của phương Tây về tăng sản lượng nhằm giúp hạ nhiệt đà leo thang của giá dầu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lý lẽ mà Saudi Arabia đưa ra là dầu tăng giá không phải do thiếu nguồn cung.

Ông Abdulaziz cho rằng hiện còn quá sớm để đề cập chi tiết về thỏa thuận mới khi thị trường dầu mỏ vẫn còn nhiều bất trắc. Nhưng ông khẳng định OPEC+ sẽ tăng sản lượng nếu nguồn cầu tăng. “Với những biến động đang diễn ra trên thị trường, còn quá sớm để phác thảo về thỏa thuận. Nhưng điều chúng tôi có thể chắc chắn là OPEC+ đã thành công, đủ để mọi người ghi nhận vai trò. Đó là giá trị của việc hợp tác cùng nhau”, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia nói.

Tháng 4/2020, OPEC+ thỏa thuận về sản lượng. Theo đó, liên minh này sẽ tăng sản lượng mỗi tháng, với mức tăng khiêm tốn là 430.000 thùng/ngày. Nhưng lượng dầu thô khai thác của Nga bắt đầu suy giảm sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine, từ mức 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3 xuống còn trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4 – theo dữ liệu do OilX cung cấp.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng của Nga còn giảm hơn nữa, có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày nếu các nước phương Tây áp trừng phạt cứng rắn nhằm vào ngành dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ nổi lên là nước tăng sản lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga trong thời gian gần đây.

Thông qua cơ chế OPEC+, Saudi Arabia, nước lãnh đạo trên thực tế tại OPEC và cũng là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã tăng cường điều phối hạn mức sản lượng với Nga kể từ năm 2016. Riyadh cũng tìm cách định vị quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Thái tử Mohammed bin Salman đã hai lần điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi nổ ra chiến sự ở Ukraine.

Trong trao đổi với tờ Financial Times, Bộ trưởng Abdulaziz đổ lỗi giá dầu leo thang là do thiếu hụt công suất lọc dầu cũng như chính sách về thuế. Theo ông, trong vòng 3 năm trở lại đây, toàn thế giới mất đi công suất lọc dầu ở ngưỡng 4 triệu thùng/ngày, trong đó có mức suy giảm công suất 2,7 triệu thùng/ngày kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ông Abdulaziz nói rằng không nên để các vấn đề chính trị thẩm thấu vào OPEC+. Liên minh dầu mỏ này cần thúc đẩy những “điều chỉnh có trật tự” trong tương lai giữa thời điểm xuất hiện bất ổn về cung-cầu dầu mỏ do phong tỏa phòng chống COVID-19 tại Trung Quốc, tăng trưởng toàn cầu và đứt gãy chuỗi cung.  

“Tình hình hiện nay đặt ra nhu cầu cần phải ngồi lại cùng nhau. Phải tập trung, phải loại bỏ những điều giả dối cũng như cái gọi là sửa sai chính trị. Vấn đề cần làm là soi chiếu thực tế hiện tại và tìm ra phương thức xử lý”, Bộ trưởng Abdulaziz nêu quan điểm. Theo ông, để giải quyết vấn đề sản lượng khai thác và công suất lọc dầu, chính phủ các nước cần khuyến khích đầu tư vào ngành nhiên liệu hydrocarbon ngay cả khi thế giới có xu hướng dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo Financial Times)
Các nước EU không đạt được đồng thuận về lệnh cấm dầu mỏ Nga
Các nước EU không đạt được đồng thuận về lệnh cấm dầu mỏ Nga

Sau hơn 10 ngày đàm phán, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn không đạt được đồng thuận đối với đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong đó Hungary dẫn đầu nhóm các nước phản đối biện pháp này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN