Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Farhan al-Saud cho hay các bên đã thể hiện ý chí chính trị và thiện chí đảm bảo thực thi thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao và các quan hệ khác, trong đó có quyết định nối lại các chuyến bay.
Ngoại trưởng Saudi Arabia nêu rõ: “Những gì đã diễn ra trong ngày hôm nay... là sự khép lại toàn bộ những điểm khác biệt và hoàn toàn khôi phục các mối quan hệ ngoại giao”.
Trước đó, Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman thông báo các nước vùng Vịnh đã ký kết một thỏa thuận hướng tới "sự đoàn kết và ổn định" tại Hội nghị thượng đỉnh GCC, nhằm thảo luận về các biện pháp dỡ bỏ lệnh cấm vận suốt 3 năm qua đối với Qatar. Các nhà lãnh đạo của 6 nước thành viên GCC đã cùng ký hai văn kiện, bao gồm Tuyên bố Al-Ula và thông cáo báo chí cuối cùng của hội nghị.
Cùng ngày, Thủ tướng Fayez Serraj của Chính phủ Libya được Liên hợp quốc hậu thuẫn đã hoan nghênh thành công của Hội nghị thượng đỉnh GCC tổ chức tại Saudi Arabia trong việc chấm dứt mâu thuẫn với Qatar.
Trong một tuyên bố, ông Serraj ghi nhận những kết quả đạt được của Hội nghị thượng đỉnh GCC trong việc “khơi thông bầu không khí và củng cố tình anh em" ở vùng Vịnh. Ông đánh giá “Tuyên bố Al-Ula là bước đi quan trọng đúng hướng” và bày tỏ hy vọng tuyên bố này sẽ mang đến “sự thống nhất của các nước Arab, đóng góp hiệu quả vào việc thiết lập an ninh và ổn định ở Libya, đồng thời chấm dứt mọi can thiệp tiêu cực". Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố cam kết đầy đủ về sự tôn trọng lẫn nhau, chủ quyền và sự thống nhất quốc gia của các nước.
Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar từ tháng 6/2017 và áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với quốc gia vùng Vịnh này sau khi cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố. Về phần mình, Qatar liên tục bác bỏ mọi cáo buộc.