Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Thủ tướng Babiš nêu rõ Chính phủ Séc đang chuẩn bị để tăng năng lực tiêm phòng khi số lượng người cần tiêm liều tăng cường rất lớn. Ngoài vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, nước này cũng quan tâm đến vaccine của Moderna. Vaccine sẽ được phân phối đến trung tâm tiêm chủng Černý Most ở thủ đô Praha bắt đầu vào ngày 29/11. Ngoài ra, theo kế hoạch, CH Séc sẽ tiếp nhận vaccine cho trẻ em vào nửa cuối tháng 12 tới và phân phối tới các bệnh viện đại học. Do đó, các bậc cha mẹ sẽ có thể đưa con đi tiêm phòng ngay trong kỳ nghỉ Giáng sinh.
Thủ tướng Babiš cũng bày tỏ mong muốn các bác sĩ gia đình sẽ tham gia hỗ trợ nhiều hơn cho chiến dịch tiêm phòng COVID-19.
Theo các chuyên gia dịch tễ, hơn 780.000 người tại CH Séc đã được tiêm mũi tăng cường. Việc tiêm phòng cho những người trên 60 tuổi sẽ tăng số người được tiêm mũi tăng cường lên 2,4 triệu người, tương đương hơn 33% trong tổng số người đã được tiêm cho đến nay.
Cùng ngày, Tổ chức Bác sĩ hỗ trợ CH Séc đã kêu gọi tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho 1 triệu người mỗi tuần nhằm giảm tải cho các bệnh viện, đồng thời huy động sự trợ giúp của các bác sĩ, các chuyên gia y tế và các tình nguyện viên. Ước tính, nếu có khoảng một triệu người được tiêm phòng sẽ giúp giảm 3.000 người nhập viện mỗi tháng và giảm khoảng 500 bệnh nhân nặng.
Tại châu Phi, Ghana sẽ tăng cường chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 của nước này vào tháng 12 tới, đồng thời bắt buộc tiêm phòng với các nhóm cụ thể, trong đó có tất cả các nhân viên công sở và nhân viên y tế, kể từ ngày 22/1/2022.
Phát biểu họp báo ngày 28/11, Tổng Giám đốc Dịch vụ y tế Ghana Patrick Kuma-Aboagye xác nhận chính phủ nước này sẽ tổ chức chương trình tiêm phòng COVID-19 vào tháng 12 tới sau khi thực hiện tiêm chủng bắt buộc đối với tất cả nhân viên các cơ quan chính phủ, đội ngũ nhân viên y tế, lực lượng an ninh, nhân viên, học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và các lái xe dịch vụ. Các đội y tế lưu động sẽ đến tiêm vaccine tại các trường học, chợ, nhà thờ và ở một số nơi là đến từng gia đình.
Ông Kuma-Aboagye nhấn mạnh việc nhiều trường hợp do dự tiêm vaccine ngừa COVID-19 đặt ra mối đe dọa đảo ngược những thành tựu đã đạt được cho đến nay. Nước này sẽ khó có thể duy trì số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp như hiện nay nếu không tăng đáng kể việc tiêm vaccine phòng bệnh.
Tổng Giám đốc Kuma-Aboagye cho rằng các hộp đêm, các bãi biển, sân vận động và nhà hàng cần yêu cầu khách hàng khi vào cửa phải xuất trình được chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ông cũng cho biết thêm Bộ Y tế nước này cũng hy vọng tăng gấp đôi số người được tiêm phòng hàng ngày từ mức 142.000 người hiện nay trong bối cảnh có nguy cơ bùng phát một đợt dịch COVID-19 mới tại nước này sau kỳ nghỉ lễ.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ghana, hiện chỉ có 21% trong nhóm người đủ điều kiện tiêm phòng đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19, trong khi 7% đã tiêm phòng đầy đủ. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 131.083 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.220 ca tử vong.
Cho đến nay, Ghana đã nhận được hơn 12 triệu liều vaccine và dự kiến sẽ tiếp nhận thêm khoảng 7 triệu liều vào cuối tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, giống như hầu hết các quốc gia châu Phi, tốc độ triển khai tiêm phòng tại Ghana tương đối chậm, dù nguồn cung vaccine tăng. Mới có khoảng 1,4 triệu người trong tổng số 30 triệu dân tại nước này đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.