Theo ông Vojtech, những bộ xét nghiệm này sẽ được chuyển tới các địa điểm phân phối tại các địa phương và sẽ được sử dụng để xét nghiệm cho lực lượng cảnh sát, quân đội, lực lượng cứu hỏa và các nhân viên y tế tại những bệnh viện lớn.
Các bộ xét nghiệm này cho kết quả trong vòng từ 20 đến 25 phút, nhanh hơn so với thời gian vài giờ trong các xét nghiệm trước đây. Ngoài ra, Séc cũng sẽ nhận những thiết bị y tế khác từ Trung Quốc, trong đó có 30 triệu chiếc khẩu trang y tế.
Cùng ngày18/3, Thủ tướng Séc Andrej Babis và Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Janusz Kowalski đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tạm gác lại Thỏa thuận Xanh để sử dụng các nguồn lực đối phó với sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu với các phóng viên, ông Babis đề cập kế hoạch trị giá 1.000 tỷ euro của EU phát triển nền kinh tế với lượng khí thải nhà kính bằng không vào năm 2050. Ông cho rằng thời điểm này EU nên gác lại Thỏa thuận Xanh này và tập trung vào cuộc chiến chống COVID-19, trong bối cảnh châu Âu hiện là tâm dịch lớn nhất thế giới.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Kowalski đề nghị bãi bỏ Hệ thống Thương mại Phát thải châu Âu (ETS) từ năm tới, nếu không Ba Lan sẽ rút khỏi cơ chế này để giảm áp lực cho các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi do COVID-19. Theo ông Kowalski, các khoản phụ cấp khí thải CO2 tăng đã khiến cho tiền điện tăng ở Ba Lan.
Đầu tháng này EU đã công bố một dự thảo Thỏa thuận Xanh, theo đó các thành viên phải đạt mức phát thải nhà kính bằng không vào năm 2050. CH Séc và Ba Lan phụ thuộc rất nhiều vào than đá để sản xuất điện, do đó cả hai nước này không ủng hộ thỏa thuận. Ba Lan từng tuyên bố không cam kết mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 trừ phi EU cung cấp nguồn tài trợ lớn để nước này thoát sử dụng than.
Liên quan nỗ lực phòng chống dịch, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị tới 100 tỷ Kuron (4,05 tỷ USD) viện trợ trực tiếp và 900 tỷ Kuron thông qua bảo lãnh cho vay để giúp các doanh nghiệp phục hồi sau sự bùng phát của COVID-19.
Theo ông Babis, số tiền trên tương đương gần 18% sản lượng kinh tế của Séc trong năm 2019, sẽ được sử dụng để hỗ trợ những doanh nghiệp bị tổn thương, trong bối cảnh Séc - giống như phần lớn các nước châu Âu khác - đã đóng cửa các cửa hàng và nhà máy, biên giới và hạn chế đi lại để phòng chống sự lây lan của COVID-19.