Ngày 30/9, Đại diện đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Đối thoại Belgrade-Pristina và các vấn đề khu vực Tây Balkan, ông Miroslav Lajčák, xác nhận trên trang mạng cá nhân Twitter: “Chúng tôi đã có một thỏa thuận”. Theo ông Miroslav Lajčák, “sau hai ngày đàm phán căng thẳng, các bên đã đạt được một thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng và về lộ trình phía trước".
Vùng lãnh thổ Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền Kosovo nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU.
Từ tháng 3/2011, EU đã khởi xướng các cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo, coi đây là cách duy nhất để Serbia đạt mục tiêu gia nhập khối này, theo đó, hai bên đã đạt được hơn 10 thỏa thuận, nhưng đa số văn kiện này hiện vẫn chưa được thực hiện và hai bên vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc, trong đó có vấn đề đường ranh giới.
Hồi tháng 4, Đại diện cấp cao của EU phụ trách các vấn đề đối ngoại Josep Borrell cho biết EU hy vọng Serbia và Kosovo dự kiến nối lại đàm phán vào ngày 11/5, song khi đó người đứng đầu chính quyền Kosovo đã từ chối tham gia đàm phán.
Ngày 19/7, lãnh đạo của CH Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo đổ lỗi cho nhau sau khi đạt ít tiến triển trong cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ gai góc nhất tại châu Âu.
Đặc phái viên Miroslav Lajčák nói: “Cuộc đàm phán đã rất khó khăn và cho thấy cách tiếp cận rất khác nhau của hai phía đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia. Kết quả là, chúng tôi chỉ đạt được ít tiến triển hôm nay”.
Căng thẳng leo thang mấy ngày gần đây đã buộc lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 27/9 phải tăng cường tuần tra tại các giao lộ ở khu vực giáp giới giữa Serbia và Kosovo. Hiện Serbia cũng đã triển khai nhiều xe bọc thép ở khu vực này trong động thái phản ứng với quy định mới của phía Kosovo đối với các xe mang biển số Serbia.
Những hình ảnh mà truyền thông có được cho thấy xe bọc thép của NATO tiến gần hàng rào xe ô tô tải và các phương tiện giao thông tại khu vực giáp ranh giữa vùng lãnh thổ Kosovo-Serbia, trong khi máy bay tiêm kích của Serbia cũng hoạt động tại đây. Trước đó cùng ngày, Belgrade triển khai 4 xe bọc thép gần khu vực biên giới này. Đài truyền hình RTS của Nhà nước Serbia đã phát hình ảnh về các phương tiện này cũng như nhiều binh sĩ Serbia được triển khai sát biên giới.
Căng thẳng bùng phát sau khi chính quyền vùng lãnh thổ Kosovo yêu cầu tất cả các phương tiện mang biển số Serbia phải có biển số tạm thời do Kosovo cấp tại các trạm kiểm soát biên giới trước khi được phép đi qua khu vực này. Quy định có hiệu lực từ ngày 27/9 yêu cầu những người lái xe muốn vào Kosovo từ miền Trung Serbia phải trả khoản thuế 5 euro để nhận biển số "Cộng hòa Kosovo" tạm thời có giá trị trong 60 ngày. NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế.
Tiếp tục cập nhật...