Hãng tin TASS, cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 6/4, nhà lanh đạo Serbia mừng Aleksandar Vucic khẳng định Serbia sẽ tiếp tục theo đuổi tư cách thành viên Liên minh châu Âu và duy trì tình hữu nghị với Nga.
Tổng thống Nga đã chúc mừng ông Vucic về chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống và về thành công đáng kể mà Đảng Cấp tiến Serbia đạt được trong cuộc bầu cử quốc hội nước này.
Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Serbia nêu rõ: "Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic về chiến thắng thuyết phục của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống và về thành công quan trọng mà Đảng Tiến bộ Serbia đạt được trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông chúc Tổng thống Vucic hạnh phúc và thành công trên cương vị nguyên thủ quốc gia trong 5 năm tới, chúc cho Serbia thịnh vượng, khẳng định Serbia và Nga sẽ duy trì quan hệ hữu nghị thực sự. Tổng thống Vucic cảm ơn ông về lời chúc mừng, tuyên bố rằng Serbia sẽ tiếp tục quan hệ bạn bè truyền thống và chân thành với Nga trong khi theo đuổi tư cách thành viên EU”.
Tuyên bố cho biết thêm: "Tổng thống Putin cũng thông báo tóm tắt cho Tổng thống Vucic về những diễn biến ở Ukraine và lý do - như ông Putin đã nói – chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine, trong khi Tổng thống Vucic nhắc lại quan điểm của Serbia và kết luận của Hội đồng An ninh Quốc gia, mà ông Putin biết rõ, và bày tỏ hy vọng rằng xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc trong tương lai gần”.
Trước đó, ông Vucic cho biết trong một cuộc họp báo ngày 3/4 rằng Serbia sẽ giữ thái độ trung lập về quân sự và cũng sẽ tìm cách duy trì quan hệ đối tác và hữu nghị với Nga.
Chính sách đối ngoại của Serbia hướng tới tiếp cận EU nhưng vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Moskva và Bắc Kinh, cũng như phát triển quan hệ với Washington.
Serbia có ý định duy trì sự trung lập về quân sự, từ chối gia nhập NATO và các khối khác. Tuy nhiên, lập trường này làm dấy lên sự phản đối ở phương Tây. Serbia đã nhiều lần nhận được tín hiệu rằng chỉ có thể hội nhập châu Âu với hai điều kiện - nếu công nhận nền độc lập của Kosovo và chấm dứt quan hệ hữu nghị với Nga.
Cho đến nay Serbia vẫn là một trong số ít các quốc gia châu Âu không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga. Cũng giống như nước láng giềng phía bắc, quốc gia Balkan đã tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 3/4 vừa qua, Đảng Cấp tiến Serbia cầm quyền giành đa số ghế trong quốc hội, qua đó giúp lãnh đạo đảng Aleksandar Vucic giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai liên tiếp.
Mặc dù truyền thông phương Tây có xu hướng miêu tả ông Vucic là "đồng minh của Tổng thống Putin", điều đáng chú ý là Đại sứ Mỹ tại Serbia Christopher Hilled đã chúc mừng nhà lãnh đạo Serbia sau khi giành nhiệm kỳ 2, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử ở nước này.
Tuy nhiên, phương Tây dường như tiếp tục gián tiếp gây áp lực buộc Serbia phải thay đổi chính sách đối ngoại. Theo các báo cáo, việc vận chuyển dầu thô từ thành viên EU là Croatia cho tập đoàn dầu khí NIS của Serbia sẽ ngừng hoạt động vào ngày 15/5 do lệnh trừng phạt của EU đối với các công ty Nga.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom Neft của Nga sở hữu 56,15% vốn cổ phần của NIS, trong khi 29,87% cổ phần thuộc sở hữu của nhà nước Serbia. Gói trừng phạt thứ tư của EU cấm các công ty châu Âu hợp tác với một số công ty của Nga bao gồm Gazprom Neft và các công ty con mà Gazprom nắm hơn 50% quyền sở hữu.
Để tránh bị cấm vận dầu mỏ, Serbia có thể buộc phải quốc hữu hóa NIS, điều này chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ của Belgrade với Moskva. Ngoài ra, quốc gia Balkan có thể chọn phương án vận chuyển dầu thô bằng đường sắt từ các cảng khác nhau trên Biển Adriatic và Biển Đen, dù như vậy giá dầu sẽ đắt hơn nhiều so với việc nhận nguồn cung từ nước láng giềng Croatia.