Thứ nhất là ủng hộ chủ nghĩa đa phương vaccine để tất cả các nước có thể tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng. COVAX hiện nay là cơ chế nhằm cung cấp vaccine tới người dân của các nước nghèo hơn, nhưng tới nay sáng kiến này đang gặp phải những khó khăn về hậu cần và thiếu hụt nguồn cung.
Thứ hai là hợp tác cùng trỗi dậy mạnh mẽ hơn về kinh tế. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) gồm ASEAN và các nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã ký kết từ cuối năm 2020 nhưng cần phải có sự phê chuẩn của ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác. Vì vậy, các nước tham gia cần nhanh chóng phê chuẩn để RCEP có thể có hiệu lực vào đầu năm 2022 theo kế hoạch.
Thứ ba là hợp tác mạnh mẽ hơn về số hóa và sử dụng công nghệ thông tin, liên lạc. Để mở cửa đường biên và khôi phục đi lại an toàn, cần phải có những giải pháp số tương thích, trong đó có việc công nhận chứng chỉ sức khỏe số của nhau. Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN có thể là một phương tiện để chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng khi ASEAN và các đối tác kiểm soát được dịch COVID-19, các nước chỉ có thể phục hồi hoàn toàn nếu có một môi trường chiến lược thuận lợi. Singapore hy vọng rằng các thỏa thuận an ninh mới sẽ đóng góp một cách tích cực vào hòa bình và ổn định của khu vực. Singapore hoan nghênh các nước đối tác tiếp tục cam kết và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định quan điểm của Singapore là nhất quán. Với tư cách là một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền, Singapore không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, là một quốc gia nhỏ phụ thuộc vào thương mại để tồn tại, Singapore có những lợi ích cơ bản đang bị đe dọa. Singapore hy vọng rằng tất cả các bên sẽ hướng tới việc duy trì đối thoại, giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực, và đảm bảo rằng các hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.