Bộ Nhân lực Singapore ngày 9/9 đã đưa ra thông báo trên sau khi hơn 90% người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tỷ lệ này cao hơn 81% tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước. Hiện quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới.
Theo quyết định mới công bố, Singapore sẽ thực hiện thí điểm cho phép 500 lao động nhập cư đã tiêm đầy đủ vaccine được tới các địa điểm công cộng có chọn lọc trong 6 giờ/tuần. Nhóm người này cũng buộc phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 trước và sau 3 ngày mỗi khi tới các địa điểm công cộng. Chương trình thí điểm sẽ được thực hiện trong 1 tháng để cơ quan chức năng Singapore đánh giá và đưa ra quyết định tiếp theo.
Trong khi đó, toàn bộ người lao động nhập cư khác sẽ được phép tới các trung tâm giải trí tối đa 2 lần/tuần và chương trình du ngoạn do các tổ chức phi chính phủ dành cho người lao động nhập cư tới các địa điểm tham quan địa phương sẽ được khôi phục.
Từ tháng 4/2020, Singapore áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại gắt gao đối với hàng chục nghìn người lao động nhập cư sau khi phát hiện nhiều ổ dịch tại khu cư xá của người lao động diện này. Nhờ chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, trong 2 tuần qua, Singapore ghi nhận trên 100 ca nhiễm mới/ngày và đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế trong từng giai đoạn mở cửa. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới rải rác trong cộng đồng, thay vì tập trung ở các ổ dịch như trước đây.
* Liên quan đến công tác chống dịch tại Indonesia, ngày 9/9, Bộ Y tế nước này đã yêu cầu chính quyền các địa phương áp dụng các hình phạt đối với những người bị phát hiện tự ý tiêm vaccine liều thứ ba ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết tất cả các hình thức giám sát liên quan đến quá trình tiêm chủng - cả liều một, liều hai và liều tăng cường - đều thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, huyện/thành phố. Nếu phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương có thể cùng cơ quan pháp luật áp các chế tài.
Bà Nadia khẳng định rằng theo các quy định hiện hành, chương trình tiêm chủng nhắc lại hiện mới chỉ dành cho các nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế.
Theo Bộ Y tế Indonesia, kể từ khi khởi động ngày 14/7 đến ngày 8/9, 741.907 trong tổng số 1.4.764 nhân viên y tế đã được tiêm tăng cường mũi ba bằng vaccine Moderna, đạt 50,51% mục tiêu đề ra.