Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ trưởng bộ Môi trường và Bền vững Singapore Grace Fu ngày 15/6 thông báo 5 triệu muỗi đực Aedes chứa vi khuẩn Wolbachia sẽ được nuôi trong phòng thí nghiệm hàng tuần.
Muỗi đực bị nhiễm khuẩn Wolbachia khi giao phối với muỗi cái sinh sống trong môi trường đông dân cư sẽ tạo ra trứng không thể nở ra thành con, từ đó làm giảm số lượng muỗi trong môi trường tự nhiên. Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu số lượng muỗi và kiểm soát tình hình nhiễm sốt xuất huyết tại quốc gia Đông Nam Á này.
Thí nghiệm nuôi muỗi là một phần trong Dự án Wolbachia, triển khai trên 1.400 khu nhà ở công cộng từ tháng 7 tới, ngoài 1.800 khu nhà trước đó. Khoảng 31% nhà ở công cộng sẽ nằm trong chương trình này, thay vì 19% như hiện tại.
Kể từ khi áp dụng phương pháp thả muỗi đực Aedes chứa vi khuẩn Wolbachia vào các tòa nhà cao tầng có mật độ dân số cao vào năm 2016, Singapore đã ghi nhận được những kết quả đáng khích lệ từ dự án.
Tại các vùng lân cận Tampines và Yishun - nơi triển khai dự án trong hơn một năm, số lượng muỗi Aedes đã giảm 98% và số ca sốt xuất huyết giảm 88%. Trong đợt bùng phát dịch hiện tại, hai khu vực này ghi nhận số ca ít hơn 70% so với các khu vực tương tự không triển khai chương trình.
Hiện nay, nhiều quốc gia Đông Nam Á ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng cũng như đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến tháng 5 năm nay, Malaysia đã ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm, tăng 35% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Tại Thái Lan, chính quyền đảo Phuket cũng tăng cường các biện pháp chống dịch xuất huyết, bao gồm dùng phun xịt khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục trước khi học sinh trở lại lớp học.
Từ đầu năm đến nay, Singapore ghi nhận tổng cộng 14.000 ca sốt xuất huyết. Nhưng điều đáng lo ngại là đợt dịch này bùng phát bắt đầu vào tháng 3, trong khi mùa cao điểm của dịch bệnh hằng năm diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10.