Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong cuộc họp báo chiều 21/4, giới chức Singapore thừa nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ở mức báo động và nước này cần áp dụng các biện pháp mạnh để có thể "phá vỡ" chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài.
Hiện ở Singapore có tổng cộng 323.000 lao động nước ngoài sống tại 43 khu nhà, đến nay đã có trên 5.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Giới quan sát nhận định, với điều kiện sống chật chội, tỷ lệ nhiễm trong lao động nước ngoài có thể lên tới 5%, khoảng 15.000 người.
Các biện pháp mạnh được Singapore triển khai gồm cắt giảm thêm một số dịch vụ thiết yếu, giảm lưu lượng đi lại từ 20% hiện nay xuống còn 15%. Một loạt dịch vụ cũng sẽ phải đóng cửa như các cửa hàng bán đồ uống đơn lẻ, các hiệu cắt tóc, giặt là... Toàn bộ số lao động nước ngoài tại 43 khu nhà ở và hơn 1.200 tòa nhà nhỏ khác trên sẽ dừng làm việc và ở tại chỗ kể từ ngày 22/4, kể cả các lao động thuộc các công ty đã xin miễn trừ trước đây.
Trong 2 tuần qua, Singapore đã đẩy mạnh xét nghiệm tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài để kịp thời phát hiện người lây nhiễm và cách ly. Hiện con số xét nghiệm hằng ngày dao động từ 1.500 - 2.500 người, thời gian tới có thể tăng lên 2.800 - 3.000 ca xét nghiệm mỗi ngày. Tuy nhiên, giới chức Singapore cho biết nước này đang đối mặt nguy cơ thiếu bộ xét nghiệm khi triển khai xét nghiệm diện rộng. Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho biết Singapore sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước, đồng thời sẽ phải mua thêm bộ thử và các trang thiết bị y tế từ nước ngoài.
Từ ngày 22/4, Singapore áp dụng quy định người dân đi chợ ngày chẵn lẻ theo số cuối của căn cước công dân tại 4 khu chợ lớn bán đồ tươi sống ở nước này, đồng thời bắt buộc đo thân nhiệt và lấy thông tin cá nhân khách hàng tại tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắm để theo dõi tình hình lây nhiễm.
Với việc gia hạn phong tỏa đến ngày 1/6, kỳ nghỉ giữa năm học kéo dài 1 tháng (bắt đầu từ 1/6) của học sinh ở Singapore sẽ được đẩy sớm lên tháng 5, bắt đầu từ ngày 4/5 sau khi kết thúc thời gian học trực tuyến theo kế hoạch cách ly ban đầu. Các học sinh sẽ đi học trở lại vào ngày 2/6 nếu tình hình cho phép.
* Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in ngày 22/4 đã công bố gói hỗ trợ quy mô lớn - lên tới 40.000 tỷ won (khoảng 32 tỷ USD) giúp các ngành chủ chốt của nước này tránh rơi vào khủng hoảng do tác động của dịch COVID-19 và bảo vệ việc làm.
Tổng thống Moon Jae-in công bố gói hỗ trợ trên tại phiên họp hằng tuần thứ năm của Hội đồng kinh tế khẩn cấp thảo luận về tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và tài chính.
Các ngành chủ chốt của Hàn Quốc chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 gồm hàng không, lọc dầu, vận tải biển, đóng tàu và sản xuất ô tô... vốn là các ngành xương sống tạo công ăn việc làm ở nước này.
Tổng thống Moon Jae-in cũng công bố kế hoạch bổ sung để bảo vệ việc làm, theo đó chi 10.000 tỷ won nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với thị trường việc làm của Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ tăng quy mô gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp lên tới 135.000 tỷ won từ 100.000 tỷ won đã được quyết định tại các phiên họp trước của Hội đồng kinh tế khẩn cấp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự đoán kinh tế của Hàn Quốc sẽ giảm 1,2% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 2% năm 2019.