Bình luận về việc tân Tổng thống Mỹ Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP, người phát ngôn Bộ Công Thương Singapore (MTI) nói rằng TPP như đã được ký, không thể có hiệu lực nếu không có sự tham gia của Mỹ. MTI tuyên bố Singapore cam kết theo đuổi một hệ thống thương mại theo luật định và tăng cường hội nhập khu vực. Thỏa thuận mà các bên tham gia TPP đã đàm phán là con đường hướng tới những kết nối thương mại bền chặt hơn, qua đó sẽ gia tăng các cơ hội tăng trưởng và tạo việc làm tại tất cả các nước thành viên. MTI nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ phải thảo luận cách thức thúc đẩy các đối tác khác trong TPP. Mỗi một đối tác sẽ phải nghiên cứu cẩn thận về cán cân lợi ích mới".
Ngày 23/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong khi đó, Trung Quốc, vốn không phải là thành viên của TPP, cũng tuyên bố nước này cam kết tham gia tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên tinh thần cởi mở, minh bạch và tính toàn diện.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh nước này sẽ thúc đẩy đàm phán về RCEP, cũng như việc xây dựng FTAAP nhằm thêm động lực mới cho phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Cũng theo quan chức trên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên tiếp tục khẳng định vai trò là động lực kinh tế toàn cầu và thiết lập một nền kinh tế mở.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này còn lại 11 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Nhật Bản là nước đầu tiên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn TPP trong nước. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi TPP là một đầu máy đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Australia và New Zealand tuyên bố hai nước này hy vọng sẽ xúc tiến tiếp TPP kể cả khi không có sự tham gia của Mỹ.