Tại Singapore, lần đầu tiên F1 được tổ chức vào ban đêm. Singapore đã sử dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo cuộc đua được diễn ra trong điều kiện gần như ban ngày.
Tổ chức cuộc đua vào ban đêm có lợi thế lớn là khán giả châu Âu có thể theo dõi vào thời gian thuận tiện. Trong nhiều năm qua, ngành du lịch Singapore đã thu lợi lớn nhờ sự chú ý mà báo chí quốc tế dành cho giải đua.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, F1 ngày càng giảm sức hút ở Singapore. Chặng đua năm ngoái có lượng khán giả ở mức thấp kể từ năm 2008. Trung bình, lượng khán giả giảm 15%. Cuộc đua diễn ra vào cuối tuần kéo dài trong ba ngày thu hút 219.000 khán giả, tức 73.000 người/ngày.
Cho dù giảm sức hút nhưng F1 đã giúp thúc đẩy kinh tế Singapore. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Singapore, giải F1 đã thu hút 350.000 du khách quốc tế đến với Singapore trong 8 năm. Nhờ đó, ngành du lịch nước này đã bỏ túi thêm 150 triệu đô la Singapore mỗi năm.
2 tỷ đô la Singapore lợi nhuận trong hơn 10 năm
Hợp đồng giải F1 có thời hạn 5 năm. Theo hợp đồng ban đầu giữa F1 và Singapore, giải đua được tổ chức trong các năm từ 2008 tới 2012. Tại thời điểm hợp đồng được gia hạn năm 2013, xuất hiện câu hỏi về lợi nhuận mà giải đua mang lại cho Singapore. Mặc dù không thể phủ nhận là doanh thu ngành du lịch tăng nhưng nhiều người thắc mắc liệu số tiền thu về có bù được chi phí bỏ ra.
Câu hỏi trên là có lý vì sự kiện F1 làm gián đoạn việc kinh doanh của nhiều cơ sở không liên quan.
Để hiểu rõ về tác động kinh tế của F1 tại Singapore, chính phủ nước này đã thuê Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) nghiên cứu.
Nghiên cứu năm 2012 cho rằng trong giai đoạn 10 năm từ 2008 tới 2017, Singapore thu về 2 tỷ đô la Singapore.
Theo dự báo của BCG, khoảng 1 tỷ đô la Singapore tới từ chi tiêu du lịch trực tiếp trong vòng 10 năm, tức là mỗi năm du khách tới giải đua F1 chi thêm 100 triệu đô la Singapore.
Xem clip tổng hợp giải F1 ở Singapore năm 2018 (nguồn: Youtube)
Ngoài ra, Singapore sẽ hưởng lợi nhiều khía cạch khác. Báo chí quốc tế đưa tin về sự kiện góp phần thu hút thêm du khách tới Singapore và biến quốc gia Đông Nam Á này thành một trung tâm hội nghị kinh doanh, một điểm đến được bạn bè thế giới biết tới.
Nghiên cứu cũng tính tới thực tế là nhiều du khách mà F1 sẽ thu hút thường tới từ các nước giàu. Du khách từ châu Âu, Mỹ và Australia thường chi nhiều hơn du khách các nước khác.
F1 có lẽ là sự kiện lớn nhất trong ngành du lịch Singapore. Các khách sạn có thể tăng giá phòng, nhà hàng và các địa điểm ăn uống khác sẽ đón thêm nhiều du khách.
Ông Derek Tan, nhà phân tích tại công ty môi giới DBS Vickers ở Singapore, nhận định: “F1 vẫn là giai đoạn đỉnh trong ngành dịch vụ lưu trú ở Singapore. Nhưng lợi nhuận sẽ không chia đều. Khách sạn không ở gần đường đua sẽ mất khách”.
F1 cần Singapore hơn là Singapore cần F1
Tại thời điểm lần đầu F1 có mặt tại Singapore năm 2008, ngành du lịch nước này có quy mô nhỏ hơn nhiều so với hiện nay. Tổng số du khách tới Singapore là khoảng 10,3 triệu. 8 năm sau, con số này đã tăng lên 16,4 triệu. Doanh thu từ ngành du lịch đã tăng 141% trong giai đoạn này.
F1 đã đóng một vai trò quan trọng trong thu hút sự chú ý của thế giới với Singapore – một điểm đến du lịch.
Tuy nhiên, trong 10 năm quá, Singapore đã phát triển thêm một số điểm hút du khách khác. Dù F1 vẫn có một sức hút lớn nhưng tầm quan trọng với ngành du lịch đã giảm đáng kể.
Trong thực tế, sau 10 năm, vị trí giữa F1 và Singapore đã đảo ngược. F1 cần Singapore hơn là Singapore cần F1.
Năm 2017 là năm thứ 10 Giải đua F1 được tổ chức ở Singapore. F1 đã khiến Singapore được ghi dấu trên bản đồ đường đua thế giới và thu hút sự chú ý của cả hành tinh. Hơn 640 triệu khán giả quốc tế đã theo dõi truyền hình trực tiếp giải đua.
Năm 2016, Tổng giám đốc F1, ông Bernue Ecclestone đã gây tranh cãi khi ông nói rằng F1 đã giúp Singapore trở thành một nơi "không chỉ là một sân bay để đến và trung chuyển". Về sau ông nói rằng bình luận của mình đã bị hiểu nhầm.
Tuy nhiên, nổi tiếng cũng có cái giá. Chi phí tổ chức F1 là 150 triệu đô la Singapore, trong đó 60% là do chính phủ chi trả.
Một số người Singapore thắc mắc về chi phí. Ông Song Seng Wun, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng CIMB ở Singapore đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta cần trả quá nhiều tiền để đăng cai giải đua?”
Ngoài ra cũng có một số tác động tiêu cực khác như tình trạng cấm đường, giảm du khách tới các khu vực không liên quan tới F1…
F1 đã chịu nhiều bước lùi ở khu vực Đông Nam Á. Malaysia đã đăng cai giải này từ năm 1998 và giờ đã quyết định rút lui.
Lý do là nhiều người Malaysia thắc mắc về khoản chi phí khổng lồ để tổ chức sự kiện. Họ có quan điểm rằng lợi ích mà Malaysia thu về thấp hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra để tổ chức giải.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, danh tiếng của Giải đua xe F1 là không phải bàn cãi, và dù vẫn còn tranh luận liên quan tới một số vấn đề như cán cân chi phí-lợi nhuận, song nhìn chung quốc gia đăng giải đua danh giá này được hưởng lợi là điều có thế nhìn thấy.