MAS cũng đã ban hành lệnh cấm từ 15 năm đến trọn đời đối với 3 cá nhân đã bị điều tra bởi Cục các vấn đề thương mại (CAD) về các vấn đề liên quan đến Quỹ 1MDB, bao gồm: 1 cựu quản lý chi nhánh Singapore của Ngân hàng tư nhân Falcon có trụ sở tại Thụy Sĩ và 2 cựu nhân viên của Ngân hàng BSI (Thụy Sĩ). Các cá nhân này sẽ không được thực hiện bất kỳ hoạt động hoặc đại diện cho bất kỳ tổ chức nào tại Singapore được quy định tại Luật Chứng khoán và các hoạt động phái sinh (SFA).
Trụ sở Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS). Ảnh: EPA/TTXVN |
Họ cũng bị cấm tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong việc quản lý và đóng vai trò giám đốc hoặc trở thành cổ đông của bất kỳ công ty nào có giấy phép dịch vụ thị trường vốn theo quy định của SFA.Mặt khác, những người này cũng bị cấm cung cấp bất kỳ dịch vụ tư vấn tài chính nào cũng như trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quản lý, làm giám đốc hoặc trở thành cổ đông của một tổ chức cố vấn tài chính được cấp phép hoặc tư vấn tài chính miễn phí theo Luật Cố vấn Tài chính.
Động thái này cho thấy MAS không ngần ngại trong việc thẳng tay xử lý các tổ chức tài chính cũng như các cá nhân có liên quan đến hoạt động rửa tiền của Quỹ 1MDB. Trước đó, trong năm 2016, MAS đã rút giấy phép hoạt động 2 ngân hàng Thụy Sĩ là BSI và Falcon, phạt tiền tổng cộng gần 13 triệu USD; phạt 2 ngân hàng DBS (Singapore) và UBS (Thụy Sĩ) gần 1,7 triệu USD; phạt 2 ngân hàng của Anh là Standard Chartered và Coutts trên 5,3 triệu USD. Song song đó, Singapore cũng đã phong tỏa một “số lượng lớn” tài khoản ngân hàng trong vụ điều tra vi phạm của quỹ 1MDB.
Quỹ 1MDB được Chính phủ Malaysia thành lập để thúc đẩy phát triển kinh tế tại Malaysia thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2015, có thông tin rằng quỹ này đã thất thoát 3,5 tỷ USD trong các giao dịch kéo dài vài năm. Vụ bê bối này đã dẫn đến một loạt các điều tra thị trường tài chính ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc...