Phó Trưởng khoa Thủy sản tại Đại học Kasetsart Thon Thamrongnawasawat cho biết lượng phù du tăng mạnh dẫn đến nồng độ oxy trong nước giảm khiến cá bị ngạt. Theo ông Thamrongnawasawa, các hiện tượng tự nhiên như san hô bị tẩy trắng hoặc lượng sinh vật phù du gia tăng đã xảy ra trong hàng nghìn đến hàng chục nghìn năm. Tuy nhiên, tình trạng ấm lên toàn cầu làm gia tăng cường độ và tần suất xảy ra các hiện tượng này.
Nhà chức trách địa phương cho biết hiện tượng phù du nở rộ thường xảy ra với tần suất 1 - 2 lần/năm và kéo dài 2 - 3 ngày. Nhà chức trách đã thu thập các mẫu nước biển để tiến hành các đánh giá và phân tích chuyên sâu.
Hiện tượng "sóng nhiệt đại dương" đã trở thành một trong những mối lo ngại hàng đầu về môi trường trong năm qua. Đầu tháng 6 này, khu vực bờ biển Gulf Coast ở bang Texas, miền Trung Nam nước Mỹ, cũng ghi nhận hàng nghìn xác cá mòi dầu dạt vào bờ. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo tình trạng tảo gia tăng dọc bờ biển nước Anh có thể là hậu quả của việc nhiệt độ nước biển tăng.
Dữ liệu của Văn phòng Khí tượng Anh cho biết nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu trong tháng 4 và 5 vừa qua ở mức cao kỷ lục trong lịch sử thống kê nhiệt độ của hai tháng này. Nhà khoa học khí hậu của Đại học New South Wales (Australia), Sarah Perkins-Kirkpatrick cảnh báo tại những khu vực như Rạn san hô Great Barrier, hoặc những vùng biển quanh nước Anh, đều đang đối mặt với tình trạng nhiệt độ nước biển tăng cao. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng này có thể dẫn đến sự di cư của các sinh vật biển, cũng như sự tuyệt chủng của một số loài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng hiện tượng nước biển ấm lên cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đại dương hấp thu khí nhà kính. Đến nay, các đại dương đã hấp thu hơn 90% lượng nhiệt do biến đổi khí hậu liên quan hoạt động của con người.