Chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2022 khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã dẫn tới sự gia tăng lớn nhất về chi tiêu quân sự hằng năm ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào 3 thập kỷ trước.
Theo hãng tin Reuters của Anh, kết luận này được SIPRI, tổ chức nghiên cứu về vũ khí và xung đột hàng đầu thế giới đưa ra vào hôm 24/4 cùng ghi nhận rằng chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 3,7% trong năm 2022, lên 2.240 tỷ USD.
Cuối tháng 2/2022, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine sau nhiều năm căng thẳng gia tăng, khiến các nước châu Âu gấp rút tăng cường phòng thủ.
Moskva tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” là cần thiết để bảo vệ nước này trước sự thù địch và hiếu chiến của phương Tây. Trong khi đó, Ukraine và các đồng minh phương Tây cho rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến vô cớ nhằm chiếm lãnh thổ.
Chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng 13% vào năm ngoái, chủ yếu là do sự gia tăng về chi tiêu quân sự của Nga và Ukraine. Nhưng nhiều quốc gia châu Âu khác cũng tăng cường ngân sách quân sự và lên kế hoạch chi tiêu cho quân sự nhiều hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.
Theo Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, sự gia tăng về chi tiêu quân sự nêu trên bao gồm các kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm tăng chi tiêu của một số chính phủ và “kết quả là, chúng ta có thể kỳ vọng một cách hợp lý rằng chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới”.
Báo cáo của SIPRI cho thấy chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640% trong năm 2022, là mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ khi SIPRI ghi nhận dữ liệu vào năm 1949.
Đáng lưu ý là chi tiêu quân sự của Ukraine năm 2022 không bao gồm số lượng lớn viện trợ quân sự tài chính do phương Tây cung cấp.
SIPRI ước tính rằng viện trợ quân sự cho Ukraine từ Mỹ chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2022.
Mặc dù Mỹ là quốc gia chi tiêu hàng đầu thế giới cho đến nay nhưng tổng chi tiêu của Mỹ chỉ tăng nhẹ theo giá trị thực.
Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2%, nhưng theo SIPRI, số liệu này "rất không chắc chắn”.
Lucie Beraud-Sudreau, Giám đốc Chương trình Chi tiêu Quân sự và Sản xuất Vũ khí của SIPRI cho rằng sự khác biệt giữa kế hoạch ngân sách của Nga và chi tiêu quân sự thực tế của nước này vào năm 2022 cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Moskva phải trả giá đắt hơn nhiều so với dự đoán.