Theo bộ trên, số liệu mới nhất trên bao gồm những bệnh nhân mắc bệnh nặng phải nhập viện và cần sự hỗ trợ của máy thở hay các máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Con số này đã tăng hơn gấp 3 lần trong tháng qua.
Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành gồm thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo cùng với Aichi và Fukuoka. Tình trạng khẩn cấp lần này sẽ có hiệu lực tới ngày 31/5. Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống không phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa trước 20h hàng ngày, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa.
Tuy nhiên, để hạn chế tác động của tình trạng khẩn cấp đối với nền kinh tế, Nhật Bản đã nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch khi chỉ yêu cầu các trung tâm thương mại lớn và rạp chiếu phim rút ngắn thời gian hoạt động thay vì đóng cửa; giới hạn số lượng khán giả dự khán các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở mức tối đa 5.000 người hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức thay vì không cho phép khán giả tham gia. Ngoài ra, các quán bar, nhà hàng và quán karaoke cũng đã được yêu cầu đóng cửa vào 20h và không phục vụ rượu.
* Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét dự thảo thay đổi cách thức giãn cách xã hội sẽ áp dụng vào tháng 7 tới. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, hiện một số khu vực tỉnh Nam Jeolla và Bắc Gyeongsang đang thí điểm áp dụng cách thức mới này. Chính phủ Hàn Quốc sẽ căn cứ vào kết quả thí điểm để quyết định phương án cuối cùng.
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch điều chỉnh một cách linh hoạt các biện pháp hạn chế kinh doanh, giới hạn số người khi tụ tập riêng nếu số ca nhiễm mới duy trì ở ngưỡng dưới 500 ca/ngày.
Quyền Thủ tướng Hong Nam-ki nhận định số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đang có chiều hướng giảm, hệ số lây nhiễm cũng đang giảm trong 4 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là có tới 35% số ca bệnh mới không rõ nguồn lây và số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, tiếp sau vụ lây nhiễm tập thể liên quan tới lao động người nước ngoài ở tỉnh Gangwon, số ca nhiễm mới cũng đang có chiều hướng tăng vọt ở khu vực đảo Jeju.
Lô hàng 4.000 liều vaccine ngừa COVID-19 mà Hàn Quốc ký hợp đồng mua trực tiếp với hãng dược Pfizer (Mỹ) đã về đến sân bay quốc tế Incheon sáng 12/5. Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua tổng cộng 66 triệu liều vaccine của Pfizer (Mỹ), đảm bảo đủ tiêm cho 33 triệu người dân. Trong số này, đến nay đã có 2.874.000 liều đã được nhập về Hàn Quốc. Pfizer cam kết giao 7 triệu liều trong nửa đầu năm nay. Như vậy, trừ số vaccine đã nhận được, 4.126.000 liều vaccine nữa sẽ tiếp tục được giao trước tháng 7 tới. Tại Hàn Quốc, vaccine của Pfizer đang được tiêm cho người trên 75 tuổi, bệnh nhân và nhân viên tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi.