Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn lời bà Anna Teresa Palamara, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của ISS, cho hay việc theo dõi dịch tễ học của viện này cho thấy biến thể Delta đang trở nên phổ biến tại Italy, cũng như phần còn lại của châu Âu. Đáng quan ngại hơn, biến thể này có thể làm mất hiệu lực bảo vệ của vaccine và được chứng minh là có khả năng lây lan cao hơn 60%.
Cùng ngày Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nhiều nước trên toàn cầu hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay. Hiện biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. WHO cũng kêu gọi những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và thực hành các biện pháp an toàn chống đại dịch COVID-19 khi biến thể Delta rất dễ lây lan nhanh trên toàn cầu.
Italy hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 9 thế giới với trên 4,25 triệu ca. Tuy nhiên số ca mắc COVID-19 hiện liên tục giảm trong các tuần gần đây, với số ca mắc hàng ngày tăng ở mức 3 con số, thấp nhất châu Âu.
* Tại Bồ Đào Nha, một báo cáo công bố ngày 26/6 cho biết hơn 70% ca mắc COVID-19 tại vùng Lisbon là nhiễm biến thể Delta. Theo báo cáo của Viện Y tế quốc gia Ricardo Jorge, hơn 50% ca mắc tại Bồ Đào Nha lục địa nhiễm biến thể Delta, cho thấy biến thể này lan mạnh tương tự như ở Anh.
Số ca mắc mới tại Bồ Đào Nha trong ngày 25/6 đã tăng thêm 1.604 ca, mức tăng lớn nhất kể từ ngày 19/2 vừa qua. Cho tới nay, tổng số ca mắc tại nước này là 871.483 ca mắc COVID-19, trong đó có 17.081 ca tử vong.
Số ca mắc mới gia tăng sau khi Bồ Đào Nha mở cửa du lịch, lĩnh vực vốn là nguồn thu chính của nước này, cho du khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và Anh kể từ giữa tháng 5. Ngoài ra, các nhà chức trách cho phép phần lớn hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại.
Trước đó, ngày 24/6, Bồ Đào Nha đã buộc siết chặt các quy định phòng dịch tại vùng thủ đô Lisbon và điểm du lịch hút khách Albufeira ở vùng Algarve cực Nam nước này, trong đó có yêu cầu các nhà hàng phải đóng cửa sớm vào cuối tuần. Hồi đầu tháng 6, Anh cũng đã đưa Bồ Đào Nhà ra khỏi danh sách các nước an toàn về du lịch, trong khi Đức bổ sung nước này vào "khu vực có biến thể".
Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Bồ Đào Nha đang đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine cho người trẻ tuổi hơn. Cho tới nay, mới chỉ khoảng 30% dân số Bồ Đào Nha đã hoàn thành việc tiêm chủng.
* Trong khi đó, tại châu Á, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang triển khai tự tiêm vaccine cho nhân viên. Tập đoàn Samsung cho biết sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên bằng vaccine của hãng dược Moderna (Mỹ) tại các bệnh viện trực thuộc từ ngày 27/7.
Theo đó, đối tượng tiêm chủng là từ 18-59 tuổi, gồm nhân viên của hãng và nhân sự thuộc công ty đối tác thường xuyên tại các cơ sở y tế trực thuộc ở thành phố Suwon (tỉnh Gyeonggi), thành phố Gumi (tỉnh Bắc Gyeongsang), thành phố Cheonan (tỉnh Bắc Chungcheong).
Các công ty con của tập đoàn Samsung như Samsung SDI, Samsung Display, công ty điện Samsung cũng sẽ tự tiêm chủng cho nhân viên từ cuối tháng 7.
Các tập đoàn lớn khác như Hyundai, SK Hynix và LG Display cũng đang xúc tiến tự tiêm chủng cho nhân viên. Hãng Hyundai đang xem xét tiêm phòng tại các bệnh viện trực thuộc và SK Hynix đang có kế hoạch tiêm chủng cho nhân viên và nhân sự của các công ty đối tác thường xuyên tại chi nhánh ở thành phố Icheon (tỉnh Gyeonggi) và thành phố Cheongju (tỉnh Bắc Chungcheong).
Trong khi đó, LG Display có kế hoạch tuyển dụng y tá điều dưỡng tại các cơ sở y tế trực thuộc để tiêm phòng cho nhân viên. Tập đoàn Posco cũng thông báo đang chuẩn bị trình kế hoạch tự tiêm chủng COVID-19 lên cơ quan phòng dịch.
Theo kế hoạch tiêm chủng quý III, cơ quan phòng dịch sẽ mở rộng tiêm chủng lần lượt cho công dân trên 18 tuổi. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng vaccine mũi một cho 36 triệu người dân đến cuối tháng 9 tới.