Ngày 19/11, số ca mắc COVID-19 ở Nga đã vượt quá 2 triệu người, khi số ca nhiễm và tử vong theo ngày tăng ở mức cao mới.
Theo số liệu của trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch COVID-19 của Nga, nước này ghi nhận thêm 23.610 ca nhiễm mới và 463 ca tử vong.
Hiện Nga trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp.
Dù số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng lên, giới chức Nga vẫn chưa có ý định tái áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước như đã làm hồi đầu năm nay. Thay vào đó, Nga đưa ra các quy định nghiêm ngặt như đeo khẩu trang và găng tay, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội, trong khi một số khu vực áp dụng các biện pháp riêng phù hợp với tình hình địa phương. Cụ thể, thủ đô Moskva của Nga, khu vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh (với 6.4 ca nhiễm mới), đã yêu cầu triển khai hình thức học từ xa đối với học sinh trung học và đóng cửa qua đêm các quán bar, nhà hàng và các câu lạc bộ giải trí ban đêm.
* Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov cùng ngày cho biết nước này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục với 13.357 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca tử vong theo ngày do COVID-19 cũng tăng ở mức cao mới với 257 ca. Hiện tổng số ca mắc tại Ukraine đã tăng lên 583.510 ca, trong đó 10.369 ca tử vong.
* Bộ Y tế Ai Cập cho biết nước này cũng ghi nhận thêm 329 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 31/7, nâng tổng số lên 111.613 ca. Trong vòng 24 giờ qua, Ai Cập cũng có thêm 14 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 6.495 người.
Trong cuộc họp nội các trực tuyến diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Mostafa Madbouly cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang tấn công một số quốc gia trên toàn cầu với mức độ lây lan rộng hơn và nguy hiểm hơn so với làn sóng đầu tiên. Ông tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các văn phòng làm việc.
* Trong khi đó, tại Australia, bang South Australia không ghi nhận ca nhiễm mới nào vào ngày 19/11, ngày đầu tiên lệnh phong tỏa nghiêm ngặt có hiệu lực. Để kiềm chế dịch bệnh lây lan, người dân ở bang South Australia không được phép rời khỏi nhà, ngoại trừ công việc thiết yếu.
* Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp "hạn chế nghiêm ngặt" ở nhiều khu vực trên cả nước từ ngày 21/11 tới nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Hiện Tổng thống Rouhani chưa nêu cụ thể các biện pháp hạn chế này, nhưng người phát ngôn Bộ Y tế Iran cho biết các dịch vụ và hoạt động kinh doanh không thiết yếu tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất như thủ đô Tehran và một số thành phố khác, sẽ phải đóng cửa.
Theo truyền thông địa phương, các biện pháp hạn chế có thể có quy định hạn chế hoạt động đi lại trong thành phố, cấm phương tiện cá nhân lưu thông từ 21h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau, đóng cửa các trung tâm giáo dục.
Iran là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại khu vực Trung Đông nhưng chưa từng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn hoàn kể từ khi nước này thông báo ca nhiễm đầu tiên vào tháng 2. Trong những tuần gần đây, Iran đã vài lần ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới ở mức cao kỷ lục. Ngày 18/11, Iran thông báo có 480 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, trong khi số ca nhiễm mới cũng tăng ở mức cao là 13.421 ca.