Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 27/10, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ thông báo số ca mắc mới đã giảm mạnh, với chỉ 36.470 người mắc bệnh trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca mắc mới thấp nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 18/7.
Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận hơn 7,94 triệu ca nhiễm, trong đó có 119.502 người không qua khỏi. Số ca còn dương tính tiếp tục ở mức thấp, với 625.857 ca. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tiếp tục giảm xuống còn 1,5%. Hiện lực lượng chức năng nước này đang nỗ lực để có thể đưa tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm xuống còn 1% và duy trì ở mức này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo số ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 1.524 ca mắc COVID-19 và 14 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong lần lượt là 373.144 và 7.053.
Trong khi đó, Đan Mạch lại ghi nhận thêm 1.056 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 - mức cao nhất trong 1 ngày từ trước tới nay. Số bệnh nhân nhập viện điều trị cũng tăng lên mức cao nhất từ ngày 15/5. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Đan Mạch là 41.412 người, trong đó có 708 ca tử vong.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao, nhà chức trách Đan Mạch đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới, từ ngày 26/10. Theo đó, các cửa hàng không được phép bán đồ uống có cồn sau 22h00 và giảm số người được phép tụ tập từ 50 xuống còn 10 người. Bất kỳ ai vi phạm các quy định phòng, chống dịch sẽ bị phạt.
Giới chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hiện châu Âu chính là "tâm dịch" COVID-19 hiện nay, song lạc quan cho rằng tình hình dịch bệnh tại đây hoàn toàn có thể lại được khống chế.
Theo ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của WHO, tuần trước, số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại châu Âu chiếm lần lượt 46% và 33% trên tổng số ca mắc và tử vong trên toàn cầu. Do đó, ông hối thúc các nước nỗ lực khống chế dịch bệnh, theo đó, cần áp đặt thêm các biện pháp phòng, chống dịch như hạn chế đi lại và yêu cầu người dân ở nhà.
Cùng chung nhận định trên, bà Maria Van Kerkhove - một chuyên gia khác cũng thuộc Chương trình khẩn cấp y tế của WHO, bày tỏ quan ngại về số bệnh nhân phải điều trị tại các khoa hồi sức cấp cứu đang ngày một tăng tại châu Âu, khiến các cơ sở y tế có thể rơi vào tình trạng quá tải trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bà tin tưởng rằng các nước ở châu lục này hoàn toàn có thể kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, như đã làm được vào mùa Xuân và mùa Hè. Theo bà Kerkhove, để làm được điều này, các nước châu Âu cần sử dụng mọi công cụ phòng, chống dịch, trong đó có việc tăng cường xét nghiệm, truy vết, tránh tụ tập đông người.