Đây là kết quả cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành với nhiều nhà kinh tế, vốn cho rằng tăng trưởng và lạm phát nhiều khả năng tạo ra những nhân tố tiêu cực hơn là tích cực trong năm tới.
Theo các nhà kinh tế, hiện nay, kinh tế Eurozone đang trên đà phục hồi mạnh mẽ do các biện pháp phong tỏa cách ly đang dần được nới lỏng và các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Pháp, Tây Ban Nha và một số nước khác thuộc Eurozone vẫn đang phải đối mặt với làn sóng dịch bùng phát mới. Điều này làm tăng khả năng gia hạn các biện pháp hạn chế và cách ly.
Nhà kinh tế thuộc ING, Peter Vanden Houte nhận định sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm COVID-19 trong những tháng mùa Hè đã cho thấy rõ ràng rằng nếu chưa có vaccine hiệu quả, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục bị kìm hãm. Theo kết quả khảo sát, 90% các nhà kinh tế (37 trong số 41 người) được hỏi cho rằng sự gia tăng các ca mắc COVID-19 là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Eurozone trong năm tới.
Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng euro cùng viễn cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm cũng là những nguy cơ mà khối này phải đối mặt.
Cuộc khảo sát cũng đưa ra dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 8,1% trong quý III/2020, mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận cho đến nay, sau khi giảm 11,8% trong quý II/2020. Dự báo này không thay đổi so với cuộc khảo sát tháng 8 vừa qua. Đối với quý IV/2020, kinh tế Eurozone dự kiến tăng 2,5% so với quý trước.
* Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, hai hãng hàng không lớn nhất Canada đã thông báo cắt giảm hàng trăm chuyến bay trong tháng 9 do số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng gia tăng mạnh ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Air Canada đã hủy 358 chuyến bay khỏi lịch trong tháng 9, do nhu cầu đi lại yếu trong khi tính đến ngày 11/9, WestJet Airlines Ltd cũng đã cắt giảm 81 chuyến bay.
Chuyên gia John Gradek thuộc trường đại học McGill cho biết các biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới và tâm lý lo ngại nhiễm bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu đi lại bằng đường không. Công suất của các hãng hàng không đã giảm khoảng 90% khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong tháng 3, buộc các chính phủ đồng loạt khuyến cáo người dân ở tại nhà và đóng cửa biên giới. Air Canada trong tháng 6 đã dừng dịch vụ đối với 30 tuyến bay nội địa, sau khi sa thải 20.000 nhân viên và báo lỗ 1 tỷ CAD trong quý I/2020.
Để khuyến khích người dân đi lại bằng đường hàng không, các hãng hàng không đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại điểm đến ở Toronto và Vancouver, tăng cường quy trình vệ sinh khử khuẩn… Tuy nhiên, tình hình vẫn u ám. Theo thống kê của Nav Canada, trong tháng 8, chỉ có 5.863 chuyến bay nội địa của Canada, so với mức 11.551 chuyến của cùng kỳ năm 2019. Chủ tịch Hội đồng sân bay Canada (đại diện cho 54 sân bay trên toàn quốc), Daniel-Robert Gooch dự báo các sân bay lỗ khoảng 4,5 tỷ CAD trong năm 2020 và 2021.