Đây là thông tin được kênh NBC News (Mỹ) đưa ra ngày 15/3 sau khi phân tích dữ liệu từ Trung tâm nguồn về virus Corona Johns Hopkins.
Theo đó, Phần Lan là nước khi nhận số ca mắc mới tăng mạnh nhất, lên tới 84% với 62.500 trường hợp. Trong cùng khoảng thời gian, Thụy Sĩ ghi nhận tăng 45% lên 182.190 trường hợp và Anh tăng 31% lên 414.480 ca mắc mới. Áo, Bỉ, Pháp, Đức và Italy đều ghi nhận mức tăng mạnh.
Tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu trong tuần qua đã đi ngược lại với Mỹ, nơi số trường hợp nhập viện và tử vong hàng ngày tiếp tục theo đà giảm. Tính trong 2 tuần gần đây, số trường hợp tử vong mỗi ngày tại Mỹ đã giảm tới 29%.
Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick (Anh) đánh giá thực trạng số ca mắc mới COVID-19 tăng tại châu Âu có thể bắt nguồn từ việc biến thể phụ của Omicron là BA.2, còn gọi là “biến thể tàng hình”, lây lan kết hợp với chính sách nới lỏng hạn chế dịch COVID-19 tại một số nơi và khả năng miễn dịch đã suy yếu.
Theo các chuyên gia y tế, nếu người dân không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, giãn cách xã hội thì "biến thể tàng hình" có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.
Ngoài ra, ông Young cảnh báo: “Chắc chắn Mỹ cần theo dõi và cân nhắc tác động của một biến thể khác lây lan mạnh hơn”. Các chuyên gia tại Mỹ cũng cho biết họ đang theo sát xu hướng tại châu Âu. Giáo sư Gavin Yamey tại Đại học Duke (Mỹ) nhận định: “Chắc chắn có rủi ro Mỹ sẽ đối mặt với số ca mắc mới tăng mạnh như châu Âu. Chúng ta có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 và mũi bổ sung thấp hơn so với nhiều quốc gia châu Âu, do vậy làn sóng tăng có thể hiểu là số ca nhập viện tăng”.
Nhưng các chuyên gia chưa sẵn sàng khẳng định rằng một làn sóng COVID-19 mới lớn đang xuất hiện trên toàn cầu và có lo ngại ngay lập tức ở Mỹ. Thay vào đó, họ tin rằng đã đến lúc phải cảnh giác, và hành động trước. Ông Yamey cho rằng chính phủ Mỹ nên mở rộng tiêm mũi vaccine bổ sung và đảm bảo nguồn khẩu trang chất lượng cao cùng bộ xét nghiệm nhanh.
Gần đây nhiều quan chức châu Âu đã tuyên bố kết thúc các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Vào tháng 2, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo gỡ bỏ mọi hạn chế còn tồn tại và cho biết các phản ứng sẽ chủ yếu dựa vào tiêm vaccine COVID-19 và điều trị thay vì áp dụng phong tỏa.
Pháp cũng nới lỏng nhiều quy định COVID-19 từ 14/3 với việc người dân không còn phải trình chứng nhận đã tiêm vaccine để vào nhà hàng, rạp chiếu phim và nhiều nơi công cộng khác. Đức cũng dự kiến nới lỏng hầu hết hạn chế COVID-19 từ tuàn tới.