Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo của Viện Robert Koch (RKI) sáng 21/1 cho biết trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 140.160 ca mắc mới COVID-19, tăng mạnh so với mức hơn 92.000 ca một tuần trước, và thêm 170 ca tử vong. Ngoài ra, tỷ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày cũng lên mức cao kỷ lục 706,3/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 470,6 ca đúng một tuần trước.
Đây là ngày thứ 8 liên tiếp tỷ lệ lây nhiễm chạm mức cao kỷ lục mới và là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới phá kỷ lục. Tỷ lệ nhập viện trung bình trong 7 ngày là 3,56 ca/100.000 dân. Tính từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tới nay, Đức ghi nhận 8.460 triệu ca mắc, trong đó có 116.485 ca tử vong.
Theo Hiệp hội Bệnh viện Đức (DKG), số ca nhiễm biến thể Omicron ở mức cao đã tạo gánh nặng ngày càng lớn cho các bệnh viện nói chung tại các khu vực. Chủ tịch DKG Gerald Gaß cho biết nhìn vào con số, áp lực tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt dường như đang giảm bớt, nhưng gánh nặng đối với các khu điều trị bình thường vẫn ở mức cao, thậm chí tăng lên đáng kể.
Điều này đã được thể hiện rõ qua số liệu từ các bang chịu ảnh hưởng đặc biệt của biến thể Omicron. Ông Gerald Gaß kêu gọi cần có thông báo cụ thể về việc tiêm phòng COVID-19 bắt buộc, cũng như cần có sự chắc chắn về mặt pháp lý và cách tiếp cận thống nhất cho tất cả các cơ quan y tế ở Đức.
Trong khi đó, Hiệp hội Chăm sóc tích cực của Đức (DIVI) đã lên tiếng ủng hộ việc nhanh chóng áp dụng quy định tiêm phòng bắt buộc cho người trưởng thành tại nước này nhằm phòng chống dịch bệnh về lâu dài.
Chủ tịch DIVI Gernot Marx kỳ vọng rằng chính sách tiêm phòng bắt buộc sẽ có thể ngăn chặn hiệu quả các đợt bùng phát tiếp theo, qua đó có thể kiểm soát và tiến tới chấm dứt được đại dịch.
Thủ hiến bang Sachsen, ông Michael Kretschmer cũng đã kêu gọi Chính phủ liên bang nhanh chóng đưa ra đề xuất tiêm phòng bắt buộc để Quốc hội thảo luận và phê chuẩn. Chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) này nhấn mạnh việc đưa ra đề xuất tiêm phòng bắt buộc là nhiệm vụ của liên minh cầm quyền, do vậy Chính phủ liên bang phải thúc đẩy mạnh mẽ bằng một đề xuất cụ thể.
Hiện cả Thủ tướng Olaf Scholz và Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach đều ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc, đồng thời cho rằng các nhóm nghị sĩ trong Quốc hội liên bang nên thảo luận và đề xuất một dự thảo luật liên quan thay vì chính phủ đưa ra đề xuất.