Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến đáng lo ngại dù các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã áp dụng được gần hai tuần ở thành phố Melbourne và Mitchell Shire, cuối tuần qua, chính quyền bang Victoria đã chính thức ra lệnh bắt buộc tất cả người dân ở hai khu vực này đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và nơi làm việc, kể từ đêm 22/7. Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt cho biết chính phủ liên bang hoàn toàn ủng hộ việc bắt buộc đeo khẩu trang ở bang Victoria.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết lệnh bắt buộc đeo khẩu trang có thể được áp dụng trong nhiều tháng. Những người không đeo khẩu trang hay che mặt khi đi ra khỏi nhà hoặc tại nơi làm việc sẽ phải đối mặt với mức phạt 200 AUD (136 USD). Ông Andrews cho biết chính quyền bang đã đặt hàng 3 triệu khẩu trang, trong đó 300.000 chiếc sẽ được chuyển tới tay người dân trong tuần này, nhưng người dân cũng có thể sử dụng khẩu trang tự chế.
Trong khi đó, chính quyền bang NSW cũng kêu gọi người dân thành phố Sydney đeo khẩu trang, đồng thời sẽ áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc đi lại qua biên giới với bang Victoria kể từ ngày 21/7 với một quy trình cấp phép đi lại mới.
Chính quyền bang Nam Australia cũng tuyên bố sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả người dân đến từ hai bang Victoria và NSW trong vòng 24 giờ sau khi vào bang này và vào cuối thời gian tự cách ly 14 ngày, ngoại trừ các trường hợp có lý do thật cần thiết và trẻ em dưới 16 tuổi. Những người không tuân thủ sẽ phải chịu mức phạt 1.000 AUD (0 USD).
Tại Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun ngày 20/7 kêu gọi tăng cường giám sát nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thông qua hàng hóa nhập khẩu, trong bối cảnh Triều Tiên đang nỗ lực ngăn chặn một đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại nước này. Các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã tăng cường kêu gọi những nỗ lực phòng chống virus kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un yêu cầu "cảnh giác tối đa" trước dịch bệnh, lưu ý rằng thái độ tự mãn sẽ dẫn tới một "cuộc khủng hoảng chưa từng thấy và không thể cứu vãn".
Trước đó, Trung Quốc đã tạm thời cấm nhập khẩu thực phẩm từ 3 công ty của Ecuador sau khi phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bao bì các hộp tôm đông lạnh nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này.
Tính đến nay, Triều Tiên vẫn chưa thông báo về bất kỳ ca mắc COVID-19 nào. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tương đối khẩn trương và quyết liệt kể từ đầu năm, trong đó có đóng cửa biên giới và siết chặt quy định cách ly.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Thủ tướng nước này Chung Sye-kyun đã chỉ thị các Bộ, ban, ngành hữu quan xem xét phương án chỉ định ngày 17/8 tới là ngày nghỉ bù để thúc đẩy chi tiêu giúp hồi phục nền kinh tế và giảm bớt mệt mỏi cho người dân do dịch COVID-19 kéo dài. Do ngày Quốc khánh Hàn Quốc (15/8) năm nay rơi vào thứ Bảy, nên nếu tính thêm ngày 17/8, kỳ nghỉ tới sẽ kéo dài trong 3 ngày.
Thủ tướng Chung cũng cho biết trong dịp nghỉ lễ tới, các thư viện và phòng triển lãm mỹ thuật sẽ vẫn được mở cửa để người dân tham quan. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cân nhắc phương án giới hạn khách tham quan và đảm bảo tuân thủ triệt để biện pháp phòng dịch như lập danh sách điện tử người ra vào. Đồng thời, Thủ tướng Hàn Quốc cũng kêu gọi người dân tích cực hợp tác để có thể nối lại hoạt động của các cơ sở công cộng trong các lĩnh vực khác.
Tại Campuchia, Bộ Y tế đã phản đối mạnh mẽ một đoạn băng hình được đưa nặc danh lên YouTube ngày 18/7 nói về việc lây nhiễm mạnh virus cộng đồng ở Campuchia. Đoạn băng hình này sau đó đã bị rút khỏi nền tảng video trực tuyến YouTube.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong cuộc họp báo ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia cho rằng đoạn băng đã đưa tin bịa đặt, đồng thời kêu gọi có chế tài xử lý các cá nhân phát tán thông tin sai sự thật về dịch bệnh, gây lo sợ và hoang mang cho người dân. Người phát ngôn nêu rõ kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Campuchia, không có trường hợp lây nhiễm ra cộng đồng với quy mô lớn được phát hiện ở nước này.
Trong bối cảnh 93 nước đang đối mặt với lây nhiễm COVID-19 ở mức độ cộng đồng, thì Campuchia từ đầu mùa dịch đến nay vẫn ở nhóm nước ít ca lây nhiễm. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các hướng dẫn phòng dịch COVID-19 vì dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, có thể dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này.
Tính đến nay, Campuchia đã phát hiện tổng cộng 171 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 136 người được chữa khỏi.