Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới đã xấp xỉ mức 57,5 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 20/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 57.473.859 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.369.060 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 39.888.233 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch tiếp tục hoành hành trên toàn cầu trong tuần qua với trung bình 593.000 ca mắc mới/ngày, tăng 3% so với tuần trước. Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong tuần với trung bình 167.400 ca/ngày (tăng 26%), sau đó là Ấn Độ với 39.200 ca (giảm 14%), Italy ổn định với 34.600 ca và Brazil 28.600 ca (tăng 18%).

Mỹ cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong tuần qua với trung bình 1.400 ca/ngày, sau đó là Italy (612 ca), Pháp (595 ca), Brazil (540 ca) và Ấn Độ (494 ca).

Như vậy, đến nay, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 258.431 ca tử vong trong tổng số 12.078.831 ca mắc. Đứng thứ hai thế giới là Ấn Độ với 9.021.020 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 132.310 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới với 5.983.089 ca mắc và 1.141 ca tử vong. Đứng thứ 4 là Pháp 2.086.288 ca mắc và 47.127 ca tử vong. 

Châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới trong tuần với 264.100 ca mắc mới. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu giảm 7% nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm. Tính đến ngày 20/11, tổng số ca mắc tại châu Âu đã vượt mức 15 triệu ca. Theo thống kê của hãng Reuters (Anh), đến nay châu Âu ghi nhận ít nhất 15.046.656 ca mắc và 344.401 ca tử vong. Trước đó, châu Âu đã ghi nhận 5 triệu ca mắc đầu tiên sau gần 9 tháng và thêm 10 triệu ca mắc chỉ trong chưa đầy 2 tháng sau.

Với dân số chỉ chiếm 10% dân số thế giới, châu Âu hiện chiếm 26% trong tổng cộng 56,9 triệu ca mắc và 25% trong 1,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Hiện cứ 100 ca mắc được xác nhận trên thế giới có 39 ca từ các nước châu Âu.

Nga đã ghi nhận thêm 24.318 ca nhiễm mới ngày 20/11, trong đó có 6.902 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.039.926 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 35.311 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ukraine thông báo đã có thêm 14.575 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 598.085 người, trong đó có 10.598 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại châu Á đã giảm 8%. Tâm dịch tại châu Á - Ấn Độ ghi nhận số ca mắc vượt 9 triệu, sau khi công bố thêm 45.882 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt 9 triệu, sau Mỹ. Tuy nhiên, giới chức y tế lưu ý số ca mắc mới ở nước này đã có chiều hướng giảm sau khi lên mức đỉnh hồi tháng 9 vừa qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số ca tử vong ở nước này đã tăng thêm 584 người, nâng tổng số ca tử vong lên 132.162 người. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây. Các nhân viên y tế lo ngại hệ thống y tế Nhật Bản có thể sớm rơi vào tình trạng quá tải, khi việc thiếu hụt giường bệnh trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nhật Bản hiện có tổng cộng 122.966 ca nhiễm và 1.922 ca tử vong, chưa kể số ca trên du thuyền Diamond Princess.  

Nỗ lực điều chế vaccine phòng COVID-19 đạt một số tiến triển mới. Trong ngày 20/11, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sẽ nộp hồ sơ lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển và đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm.

Hiện vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này cho thấy các loại vaccine này có hiệu quá ngừa COVID-19 tới 95%.      

Chú thích ảnh
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVUD-19 cho tình nguyện viên tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 14/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) có thể cấp phép lưu hành 2 loại vaccine ngừa COVID-19 kể trên trước cuối tháng 12 tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ chịu trách nhiệm thẩm định kết quả thử nghiệm 2 loại vaccine trên trước khi đưa ra khuyến nghị EC về việc cấp phép lưu hành.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Mỹ gia hạn đóng cửa du lịch với Canada, Mexico
Mỹ gia hạn đóng cửa du lịch với Canada, Mexico

Ngày 19/11, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf tuyên bố gia hạn lệnh cấm các hoạt động đi lại không thiết yếu giữa Mỹ với hai quốc gia láng giềng Mexico và Canada với lý do dịch COVID-19 đang lây lan nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN