Hiện Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong nhiều nhất thế giới lần lượt là 2.184.140 và 118.379 ca. Dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực tại nước này. Bang New York, tâm dịch lớn nhất, ghi nhận số ca nhập viện và tử vong trong ngày thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. Thành phố New York hiện cũng là nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất, giảm xuống còn 1,3% trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác trong bang còn thấp hơn. Sau Mỹ, Brazil hiện là nước có số ca nhiễm (891.550 người) và tử vong (44.100 người) cao thứ hai thế giới.
Trong khi đó, Chính phủ Chile quyết định gia hạn "tình trạng thảm họa" thêm 90 ngày do số ca nhiễm đang tiếp tục tăng. Hiện nước này ghi nhận gần 180.000 ca nhiễm, trong đó 3.362 ca tử vong. Tỷ lệ ca nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh trong tháng 5 và đầu tháng 6, trung bình hơn 5.000 ca/ngày trong những tuần gần đây. Tình hình đã buộc chính quyền phải ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô Santiago với hơn 6 triệu dân.
Tại châu Âu, một số quốc gia vẫn tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng. Tại Romania, chính phủ nước này chính thức kích hoạt giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế, cho phép các trung tâm thương mại, các sòng bài, bể bơi ngoài trời và trung tâm thể hình mở cửa trở lại. Romania tiếp tục nới lỏng hạn chế dù giới chức y tế cảnh báo số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại trong những ngày gần đây.
Tương tự, thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha cũng đã bắt đầu cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng lớn mở cửa trở lại khi thành phố bước vào giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế. Thành phố này bắt đầu giai đoạn 3 chậm hơn dự kiến 2 tuần do số ca nhiễm mới trong khu vực cao hơn những địa phương còn lại trên cả nước. Đến nay, Bồ Đào Nha ghi nhận tổng cộng hơn 37.000 ca mắc bệnh, trong đó có hơn 1.500 ca tử vong.
Tại Áo, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi đi mua sắm đã được dỡ bỏ khi cả nước bước vào giai đoạn nới lỏng tiếp theo - giảm các quy định bắt buộc và khuyến khích người dân tự giác bảo vệ sức khỏe. Hiện hoạt động kinh doanh tại quốc gia này đã gần như trở lại mức bình thường.
Tại châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc đang nỗ lực đối phó với đợt dịch COVID-19 tái bùng phát. Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết đã ghi nhận thêm 40 ca mới, trong đó 32 ca lây nhiễm trong nước và 8 ca từ nước ngoài nhập cảnh. Không có ca tử vong mới nào ở Trung Quốc. Trong tổng số ca lây nhiễm trong nước, 27 ca được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh, 4 ca tại tỉnh Hà Bắc, và 1 ca tại tỉnh Tứ Xuyên.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Bắc Kinh, thành phố này mở rộng khả năng xét nghiệm hằng ngày nhằm kiềm chế virus lây lan. Tại một cuộc họp báo, Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết đã tăng số cơ sở xét nghiệm lên 98 cơ sở (so với 31 cơ sở cách đây 1 tháng), để có thể xét nghiệm cho 90.000 người/ngày (so với mức 42.000 cách đây một tháng). Ngoài ra, các dịch vụ taxi và đi xe chung ở thủ đô Bắc Kinh được khuyến cáo chỉ đón trả khách trong nội đô.
Với 34 ca nhiễm mới được phát hiện, tổng số ca tại Hàn Quốc đã tăng lên 12.155 ca. Như vậy, Hàn Quốc trong 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 40 ca. Trong số ca nhiễm mới ghi nhận có 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 278 ca, trong khi có thêm 30 bệnh nhân bình phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.760 người, chiếm 88,5%.
Một số nước Đông Nam Á ghi nhận những diễn biến khả quan. Bộ Y tế Singapore xác nhận thêm 151 ca mới - mức thấp nhất trong ngày kể từ ngày 8/4. Trong số các ca nhiễm mới có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc tại Singapore là 40.969 ca, trong đó có 30.366 ca bình phục và 26 ca tử vong. Các nhà khoa học Singapore thông báo từ tháng 8 tới sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người vaccine phòng COVID-19, do công ty Arcturus Therapeutics của Mỹ sản xuất, sau khi các cuộc thử nghiệm trên chuột cho kết quả khả quan.
Bộ Y tế Singapore đã công bố các quy định mới về xuất- nhập cảnh liên quan dịch COVID-19 áp dụng từ ngày 18/6. Theo đó, người nhập cảnh Singapore từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, sẽ không còn phải thực hiện cách ly 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định.
Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 11 ca mới và không có ca tử vong trong ngày. Hiện tổng số ca ở nước này là 8.505 ca.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo không có ca nhiễm mới hay tử vong và đây là ngày thứ 22 liên tiếp không có lây nhiễm cộng đồng. Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận có 58 ca tử vong trong tổng số 3.135 ca nhiễm. Hiện 2.993 ca đã được chữa khỏi.
Philippines thông báo ghi nhận thêm 364 người nhiễm virus và 5 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lần lượt là 26.781 người và 1.103 người.
Indonesia đã ghi nhận thêm 1.106 ca mắc và 33 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca mắc ở nước này đã lên tới 40.400 người, trong đó có 2.231 ca tử vong và 15.703 người bình phục.
Dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại hai nước Nam Á gồm Ấn Độ và Bangladesh. Tính đến sáng 16/6, Ấn Độ ghi nhận thêm trên 10.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 343.091 người, chỉ sau Mỹ, Brazil và Nga, trong khi số ca tử vong là 9.900 ca.
Tại Bangladesh, tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 94.481 ca sau khi ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 3.862 ca. Trước đó, Bangladesh xác nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất là 3.471 ca hôm 12/6. Số ca tử vong tăng thêm 53 ca trong 24 giờ qua lên 1.262 ca kể từ ngày 18/3 vừa qua. Hôm 12/6, Bangladesh ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất với 46 ca.
Tại Trung Đông, chính quyền Iran ghi nhận số ca tử vong tăng lên 9.065 ca sau khi xác nhận thêm hơn 100 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp. Trong 24 giờ qua, thêm 2.563 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại Iran lên 192.439 ca kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ngày 19/2.