Số ca mắc mới COVID-19 tại Đức chủ yếu là người chưa tiêm vaccine phòng bệnh

Theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), tính tới ngày 16/11, số người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 trong tổng dân số ở Đức là 58,3 triệu người (70,1%), trong đó 56,2 triệu người (67,7%) đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, số ca mắc mới luôn ở mức trên dưới 40.000 ca. Nghiên cứu tại một số bang ở Đức đã cho thấy rõ sự khác biệt về số ca mắc mới trong số các trường hợp đã tiêm và chưa tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 13/9/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết, tỷ lệ mắc bệnh trung bình trong 7 ngày ở Đức liên tục tăng và hiện ở mức trên 300 người. Giới chuyên môn ở Đức muốn tìm hiểu rõ đây có phải là "đại dịch của những người chưa được tiêm phòng" hay không.

Nhà virus học người Đức, Giáo sư Christian Drosten trước đó cho rằng thật sai lầm nếu chỉ nói đại dịch "của những người chưa tiêm chủng". Theo ông, đại dịch hiện tại là tình trạng bùng nổ các ca mắc ở tất cả mọi người, kể cả những người đã tiêm vaccine dù số ca mắc ít hơn. Để làm rõ hơn điều này, 7 bang có số ca mắc COVID-19 cao ở Đức đã tiến hành thu thập riêng số liệu về tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày/100.000 theo tình trạng tiêm chủng tại các bang tương ứng. Nhìn chung có sự khác biệt rõ rệt về số ca mắc bệnh giữa những người chưa tiêm và đã tiêm vaccine, trong đó chủ yếu các ca mắc là những người chưa tiêm chủng.

Sự khác biệt rõ ràng nhất có thể thấy tại bang Baden-Württemberg và Sachsen với tỷ lệ chênh lệch gần 20 lần. Tại bang Sachsen, tỷ lệ mắc bệnh trung bình 7 ngày/100.000 dân là 1.9 người chưa tiêm chủng và 73 người đã tiêm phòng. Như vậy, số ca xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số người chưa tiêm chủng cao gấp gần 20 lần so với người đã tiêm. Trong khi đó, tại Baden-Württemberg, tỷ lệ mắc bệnh là 829 người chưa tiêm chủng và 44 người đã tiêm, chêch lệch gần 19 lần.

Tỷ lệ chênh lệch tại các bang Bayern và Sachsen-Anhalt ở mức thấp hơn, song số ca mắc bệnh là người chưa tiêm vẫn cao hơn từ 7-9 lần so với những người đã tiêm. Sự khác biệt thấp nhất là số ca bệnh được ghi nhận tại thủ đô Berlin và bang Thüringen, nhưng vẫn chênh lệch từ 3-4 lần.

Về tình trạng tiêm chủng của các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, RKI cho biết các trường hợp bệnh nặng trong số người thuộc nhóm tuổi từ 12-17 rất thấp khi chỉ có 3% số ca nhập viện trong tháng 10 là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, trong khi số ca này ở nhóm tuổi từ 18-59 ở mức dưới 23% và nhóm trên 60 tuổi là 45%. Điều này cho thấy có tới gần một nửa trong số những người cao tuổi phải nhập viện đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực trong nhóm cao tuổi cũng chiếm tới 36% và tỷ lệ tử vong thậm chí cao hơn, lên tới 42%. Theo số liệu trên, rõ ràng những người đã được tiêm chủng sẽ được bảo vệ tốt hơn, dù là đối với nguy cơ lây nhiễm hay phải nhập viện, so với những người chưa được tiêm chủng.

Trong khi đó, ngày càng có thêm nhiều bang ở Đức siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 với quy tắc 2-G (đã tiêm đủ, đã khỏi). Do số ca mắc tăng mạnh, bang Hamburg đã quyết định chuyển từ quy tắc 3-G (nới lỏng thêm với người làm xét nghiệm) sang 2-G, theo đó từ ngày 20/11 tới, bang này sẽ "cấm cửa" người chưa tiêm chủng được vào các quán ăn, nhà hàng, câu lạc bộ và các sự kiện trong không gian kín.

Tại bang Baden-Württemberg, người chưa tiêm chủng cũng sẽ bị hạn chế tham gia vào đời sống xã hội từ ngày 17/11 và sẽ chỉ có những người đã tiêm đủ và đã khỏi bệnh mới được vào các nhà hàng ăn uống, viện bảo tàng và hầu hết các sự kiện công cộng. Một số bang cũng siết chặt phòng dịch theo hướng giảm tiếp xúc, mở rộng quy định xét nghiệm... Bang Sachsen thậm chí yêu cầu người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và đã khỏi bệnh vẫn phải xét nghiệm khi vào một số cơ sở nhạy cảm như các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Trước thềm hội nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel với các thủ hiến bang thảo luận về đại dịch COVID-19, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) đồng thời là Thủ hiến bang Bayern Markus Söder đã kêu gọi nước Đức phải siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch, trong đó cần phải áp đặt quy tắc 2-G trên cả nước. Ông cũng kêu gọi nên tiêm mũi vaccine tăng cường sau khi đã tiêm đủ 5 tháng, tiến hành tiêm chủng bắt buộc với một số nhóm ngành nghề và hạn chế tiếp xúc đối với người chưa tiêm.

Từ ngày 16/11, bang Bayern đã triệt để tuân thủ quy tắc 2-G trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cùng quy định như đeo khẩu trang tại những nơi này.

Theo số liệu của các cơ quan y tế Đức, trong ngày tính đến tối 16/11, nước Đức ghi nhận thêm 40.144 ca mắc mới COVID-19 và 277 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này lên 5,095 triệu ca và 98.059 người tử vong.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Nhật Bản nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch
Nhật Bản nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong cuộc họp diễn ra chiều 16/11, Hội đồng Chuyên gia đối sách phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản đã chấp thuận phương án của chính phủ nước này về việc áp dụng quy định “Gói xét nghiệm và vaccine” làm cơ sở để tiếp tục nới lỏng hơn nữa các hoạt động kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN