Theo Bộ Y tế Philippines, tỷ lệ số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tổng số người tiến hành xét nghiệm cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục 46%. Ngoài ra, thêm 145 ca tử vong vì dịch COVID-19 được báo cáo, đưa tổng số ca tử vong lên 52.293 ca.
Kể từ ngày 8/1 vừa qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines liên tục chạm các mốc cao kỷ lục mới. Giới chức nước này cho rằng nguyên nhân do nhu cầu đi lại của người dân gia tăng trong dịp nghỉ lễ và tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch.
Trong khi đó, ông Vince Dizon - quan chức cấp cao thuộc lực lượng chuyên trách chống dịch của Chính phủ Philippines, cho biết nhu cầu xét nghiệm ở nước này đang tăng mạnh, gây sức ép lên các cơ sở xét nghiệm trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên y tế. Từ đầu dịch đến nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm trên 24 triệu người trong tổng dân số 110 triệu người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Philippines đã chỉ đạo các bệnh viện tại vùng thủ đô Manila và khu vực lân cận tăng số giường bệnh và đảm bảo có sẵn các cơ sở điều trị tạm thời trong trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng đột biến.
* Tại Ấn Độ, số ca mắc mới COVID-19 cũng đang tiến gần các mức cao từng ghi nhận trong đợt dịch nghiêm trọng ở nước này hồi năm ngoái. Số liệu công bố ngày 10/1 cho thấy trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm gần 180.000 ca mới, tăng gần gấp 6 lần so với một tuần trước đó.
Cùng ngày 10/1, Ấn Độ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường cho các nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi dễ bị tổn thương vì COVID-19. Theo đó, mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sẽ được cung cấp cho người trên 60 tuổi có bệnh lý nền, các nhân viên y tế và nhân viên làm việc trong các ngành nghề thiết yếu. Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ ba và mũi tiêm thứ hai là 9 tháng.
Công tác chống dịch của Ấn Độ trước làn sóng lây lan biến thể Omicron dường như tốt hơn so với làn sóng lây nhiễm biến thể Delta hoành hành ở nước này hồi năm 2021. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn lo ngại việc số ca mắc mới gia tăng có thể đặt ra thách thức với các bệnh viện. Theo Giáo sư Gautam Menon tại Đại học Ashoka, tình hình dịch hiện nay có thể gây sức ép lên hệ thống y tế ở mức tương đương hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn làn sóng lây nhiễm thứ hai với biến thể Delta.