Theo đó, thủ đô Tokyo ghi nhận 907 ca mắc mới, quay lại mốc trên 900 ca/ngày chỉ cách đó một tuần. Theo thông tin từ chính quyền thành phố, số lượng các cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm tư vấn triệu chứng sốt Tokyo đã tăng đột biến từ đầu tháng 5 với trung bình trên 2.000 cuộc/ngày và lên tới 2.700 cuộc vào ngày 5/5. Tình trạng này từng xảy ra vào hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay khi số ca nhiễm mới ở Tokyo tăng vọt lên 2.000 ca/ngày. Một trong những nguyên nhân của đợt bùng phát lần này là sự lây lan nhanh chóng của biến thể “N501Y”, chiếm tới 67,9% số ca mắc trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 - 2/5 theo kết quả xét nghiệm của Viện An toàn Y tế Tokyo.
Tương tự, tỉnh Osaka cũng thông báo ghi nhận 1.005 ca mắc mới, tái lập tình trạng trên 1.000 ca/ngày sau 5 ngày giảm xuống dưới mức này. Đáng chú ý, Osaka đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 50 ca, nâng tổng số ca tử vong tại địa phương này lên con số 1.655. Theo thông tin từ chính quyền tỉnh, hệ thống y tế tại Osaka đang quá tải, nhất là việc điều trị cho các ca bệnh nặng. Trong ngày 6/5, số bệnh nhân mắc COVID-19 ở tình trạng nặng tại Osaka là 440 người, trong khi chỉ có 364 giường đáp ứng điều kiện chữa trị cho bệnh nhân nặng.
Tính trên toàn quốc, trong ngày 7/5 Nhật Bản đã ghi nhận thêm 6.057 ca mắc COVID-19 mới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày kể từ ngày 16/1 tới nay. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thêm 148 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại nước này lên 10.773 người.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với 4 địa phương là Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto đến hết ngày 31/5, đồng thời bổ sung thêm 2 tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 12/5. Ngoài ra, 3 tỉnh lân cận Tokyo thuộc Vùng thủ đô sẽ kéo dài các biện pháp trọng điểm phòng dịch đến hết tháng này. Các tỉnh Hokkaido, Gifu và Mie sẽ áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch từ ngày 9/5, trong khi tỉnh Miyagi sẽ được dỡ bỏ từ ngày 11/5.
Phát biểu tại họp báo tối 7/5, Thủ tướng Suga kêu gọi người dân Nhật Bản nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Các công sở ở Nhật Bản được khuyến khích giảm 70% số nhân viên làm việc trực tiếp. Ông cũng kêu gọi người dân ủng hộ chương trình tiêm chủng của chính phủ.
Theo kế hoạch, từ tuần tới, các địa phương ở Nhật Bản sẽ bước vào đợt tiêm chủng quy mô lớn với mục tiêu tiêm cho 1 triệu người mỗi ngày. Thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka sẽ vận hành thêm Trung tâm tiêm chủng tăng cường từ ngày 24/5 với sự tham gia của cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ.
Về nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Suga khẳng định sẽ đảm bảo đủ cho chiến dịch tiêm chủng sắp tới. Dự kiến cuối tháng 6 Nhật Bản sẽ có thêm 40 triệu liều vaccine. Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cũng đã cam kết cung cấp 50 triệu liều cho Nhật Bản vào tháng 9. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang tích cực đàm phán với các nhà cung cấp khác nhằm đảm bảo số lượng có 200 triệu liều vaccine vào năm sau.