Theo nguồn tin trên, hiện số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã vượt 50 triệu ca trong bối cảnh biến thể Delta đang tiếp tục lây lan tại nước này và mới đây là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Sau khoảng 2 tháng ghi nhận xu hướng giảm số ca nhiễm mới, tình hình dịch bệnh đã gia tăng trở lại tại Mỹ trong 2 tuần qua, chủ yếu do biến thể Delta. Các bang ở những khu vực thời tiết lạnh giá hơn như Vermont, New Hampshire và Michigan đang ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.
Số liệu của Reuters cũng cho thấy Mỹ ghi nhận 25 triệu ca COVID-19 đầu tiên sau 1 năm, nhưng mất chưa đầy 1 năm tiếp theo (323 ngày) để con số này tăng lên 50 triệu ca.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ Rochelle Walensky, hiện các ca nhiễm biến thể Delta vẫn chiếm đến 99% số ca bệnh mới dù đến nay, gần một nửa số bang đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học John Moore thuộc Đại học Y tế Weill Cornell, cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể lây lan chính nếu số ca nhiễm biến thể này ghi nhận ở mức 10% và tăng lên 20% vào tuần kế tiếp, tương tự như cách biến thể Delta đã thay thế Alpha trước đó.
Một số nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả vaccine của hãng Pfizer/BioNTech nếu mới tiêm 2 liều, theo đó có thể cần tới liều thứ 3 để tăng cường khả năng bảo vệ của vaccine. Hiện khoảng 14% người dân Mỹ đã tiêm liều tăng cường, trong đó gần 10 triệu người đã tiêm mũi thứ 3 kể từ kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn đến nay do lo ngại biến thể Omicron. Hồi giữa tuần trước, công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech SE (Đức) đã thông báo các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 sử dụng vaccine do 2 hãng này phát triển có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Mỹ Xavier Becerra cũng nhấn mạnh tiêm chủng vẫn là biện pháp ưu tiên đối với người dân nước này.