Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 189.711 ca nhiễm, trong đó 4.099 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua đã giảm rõ rệt so với 1 ngày trước, lần lượt là 1.181 ca nhiễm và 46 ca tử vong. Đứng thứ hai vẫn là Italy với 105.792 ca nhiễm và 12.428 ca tử vong. Số ca nhiễm mới đã giảm khi 4.023 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua, nhưng số ca tử vong vẫn cao với 837 ca.
Tiếp theo là Tây Ban Nha, với 102.163 ca nhiễm và 9.053 ca tử vong. Với 4.324 ca nhiễm mới và 563 ca tử vong, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến trong 24 giờ qua. Như vậy, tính đến nay Anh đã có tổng cộng 29.474 ca nhiễm và 2.352 ca tử vong.
Trong khi châu Âu vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng số 458.601 ca nhiễm và 30.063 ca tử vong, thì tại Trung Quốc, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang "hạ nhiệt". Trong 24 giờ qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận 36 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong. Hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi và dần tăng tốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết mức độ tái hoạt động của các chuỗi siêu thị lớn và các cửa hàng tiện ích đã đạt lần lượt 99,5% và 95,4%, với doanh số vượt các mức ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 95,8% các trung tâm thương mại và 80% ngành giải trí đã hoạt động trở lại.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo 2 tuần tới là giai đoạn rất khó khăn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại nước này. Ông khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội cho đến hết tháng 4. Phát biểu trước báo giới từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Điều quan trọng tuyệt đối là người dân Mỹ phải tuân thủ những chỉ dẫn về y tế trong 30 ngày tới. Đây là vấn đề giữa sống và chết".
Tại "Lục địa già", Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) cho biết phải ít nhất 1 năm nữa trước khi một loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 được phê duyệt và có sẵn với số lượng đủ để sử dụng rộng rãi. Theo EMA, hiện có 2 loại vaccine đang được đưa vào giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng, tức là được thử nghiệm trên những tình nguyện viên khỏe mạnh. Tuy nhiên, các mốc thời gian về phát triển các sản phẩm thuốc rất khó dự đoán. EMA cho biết dựa vào thông tin hiện có và kinh nghiệm lâu năm về khung thời gian phát triển vaccine, phải ít nhất 1 năm nữa mới có vaccine phòng virus SARS-CoV-2.
Nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Nhật Bản ngày 1/4 thông báo mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài tới từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại phiên họp của nhóm đặc trách về ứng phó với dịch, Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ lệnh cấm mới sẽ được áp dụng từ ngày 3/4 tới và có hiệu lực cho đến cuối tháng này. Những công dân nước ngoài từng tới những khu vực trên trong 14 ngày qua sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản.
Bắt đầu từ ngày 1/4, tất cả hành khách nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng bắt buộc phải có thời gian cách ly 14 ngày. Đối với những người không đến từ khu vực châu Âu và Mỹ được khuyến cáo tự cách ly tại nhà; những người không có nơi ở cố định ở Hàn Quốc mà phải sử dụng cơ sở cách ly do nhà nước chỉ định sẽ phải chi trả mức phí khoảng 100.000 won/ngày (82 USD). Bên cạnh đó, tất cả hành khách nhập cảnh đều phải cài đặt phần mềm theo dõi trên điện thoại thông minh để cho phép cơ quan chức năng sở tại có thể kiểm soát và đảm bảo không có sự vi phạm quy định cách ly. Người dùng cũng có thể thông báo cho cơ quan chức năng về tình trạng sức khỏe của mình qua phần mềm này.
Với chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn của Hàn Quốc, được ghi nhận là giúp làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, hiện đã 121 nước đề nghị quốc gia này hỗ trợ cung cấp bộ thử virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang chịu áp lực lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc đã thành lập một đội đặc nhiệm để xác định cách thức có thể hỗ trợ, hoặc qua xuất khẩu hoặc viện trợ nhân đạo.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan nhanh trên toàn thế giới, con người vẫn chưa thể tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhất để tiêu diệt virus SARS-CoV-2, “giãn cách xã hội” đang được xem là biện pháp tối ưu, được hầu hết các quốc gia áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus gây chết người này.
Về cơ bản, “giãn cách xã hội” được hiểu là biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, nghĩa là người dân nên ở nhà, giữ một khoảng cách cụ thể với mọi người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng…
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu một người bị nhiễm bệnh, sau 5 ngày có thể làm lây cho 2,5 người và sau 30 ngày thì số người bị nhiễm bệnh có thể bùng phát lên 406 người. Nhưng nếu như người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khoảng một nửa thì sau 5 ngày, số người bị lây nhiễm chỉ còn là 1,25 người và sau 30 ngày thì số người bị lây nhiễm sẽ chỉ là 15 người. Điều này cho thấy, thực hiện “giãn cách xã hội” càng sớm thì càng cho hiệu quả càng lớn. Và biện pháp này cần phải được duy trì ở một mức độ nào đó cho đến khi tìm ra một loại vaccine hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả.