Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ Latinh và Caribe (gồm 29 quốc gia) với ổ dịch đầu tiên phát hiện tại thành phố Sao Paulo của Brazil cuối tháng 2/2020, khu vực này đến nay đã ghi nhận trên 31,5 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1.001.781 ca tử vong - chiếm gần 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Gần 89% số ca tử vong này tập trung ở 5 quốc gia: Brazil (44,3%), Mexico (22,1%), Colombia (8,3%), Argentina (7,3) và Peru (6,7%). Trong khi đó, Trung Mỹ ghi nhận 3% tổng số ca tử vong và khu vực Caribe ghi nhận 1%.
Tổng thống Argentina - ông Alberto Fernandez ngày 21/5 thừa nhận quốc gia này đang phải đối mặt "thời điểm tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19. Để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, Argentina đã áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước trong vòng 9 ngày kể từ ngày 22/5.
Trong khi đó, Chính phủ Colombia quyết định ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài đã ở Ấn Độ trong 14 ngày gần nhất để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Quyết định này sẽ có hiệu lực cho đến hết tháng 6 tới. Theo Bộ Y tế Colombia, các công dân nước này trở về từ Ấn Độ sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ các thủ tục y tế nghiêm ngặt hơn và phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), khu vực Mỹ Latinh đang thiếu nguồn cung vaccine ngừa bệnh COVID-19, cũng như vật tư y tế cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch này. Khu vực này hiện mới chỉ hoàn tất tiêm chủng cho 3% dân số. Giám đốc PAHO - bà Carissa Etienne đã kêu gọi người dân Mỹ Latinh tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch COVID-19, bao gồm sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay, đồng thời khuyến nghị người dân tham gia tiêm phòng vaccine ngay khi có thể.
Trong khi đó, bà Samira Asma - một quan chức thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết con số thực tế về số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu "có thể cao gấp 2 - 3 lần so với báo cáo chính thức". Trước những diễn biến này, tại Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu tại Rome (Italy) ngày 21/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19, với mục tiêu có thể tiêm vaccine phòng căn bệnh nguy hiểm này cho ít nhất 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% dân số vào cuối năm 2022.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu tại Rome, các công ty dược phẩm đã cam kết cung cấp hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho những nước nghèo hơn từ nay tới cuối năm 2022, trong đó Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết cung cấp 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc có chiết khấu cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Chính phủ Đức tối 21/5 cũng tuyên bố sẽ tặng 30 triệu liều vaccine cho các quốc gia nghèo hơn trong năm nay.