Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP công bố ngày 4/12, kể từ ngày 24/11 vừa qua, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu liên tục ghi nhận trên 10.000 ca/ngày, mức chưa từng ghi nhận trước đó. Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất trong nhiều ngày qua. Với 2.731 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ tháng 3, trong khi số ca nhập viện lần đầu tiên vượt 100.000 ca/ngày ngày 2/12. Trong khi đó, tại châu Âu, Italy là nước ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất châu lục, với 993 ca, vượt mức cao nhất trước đó ghi nhận đầu năm nay là 969 ca.
Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ Robert Redfield cảnh báo tháng 1 và tháng 2 tới sẽ là thời điểm rất khó khăn và nước Mỹ có thể phải chứng kiến thêm 450.000 ca tử vong nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc. Ông Robert Redfield nhấn mạnh "đây cũng là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử của hệ thống y tế cộng đồng của Mỹ".
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang đẩy nhanh tiến trình phê duyệt các loại vaccine phòng COVID-19 để có thể triển khai chương trình tiêm chủng sớm nhất, các biện pháp phòng dịch và lệnh phong tỏa vẫn được khuyến cáo duy trì để hạn chế tốc độ lây nhiễm đang gia tăng báo động khi bước vào mùa Đông.
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về đại dịch COVID-19, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo kể cả khi vaccine được các nước phê duyệt sớm nhất, những "dư chấn" của dịch bệnh COVID-19 vẫn là một thách thức lớn, vì vaccine không bù đắp được những thiệt hại được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ tới. Ông nhắc lại lời kêu gọi phải coi vaccine là một loại hàng hóa công, được chia sẻ trên toàn cầu.
Hiện có hơn 180 quốc gia tham gia Covax, một sáng kiến hợp tác toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với các nhà sản xuất nhằm phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng nhất.