Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo ghi nhận thêm 2.4 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số các ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 55.460 ca. CCSA cũng ghi nhận 11 người tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì COVID-19 lên 140 bệnh nhân.
Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức cao kỷ lục là 2.839 ca. Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết các tỉnh trưởng có thể đóng cửa các địa điểm công cộng và áp đặt lệnh giới nghiêm nếu cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm như công viên, phòng tập thể dục thể thao, rạp chiếu phim và trung tâm và nhà trẻ từ ngày 26/4 đến hết ngày 9/5. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa song Hiệp hội Các nhà bán lẻ Thái Lan đã giới hạn giờ mở cửa tại Bangkok, cũng như tại 17 tỉnh khác.
Năm ngoái, Thái Lan đã duy trì số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, một đợt bùng phát dịch mới, một phần do sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh với tốc độ lây lan cao, đã khiến trên 24.000 người mắc và 46 người tử vong chỉ trong 25 ngày. Những số liệu này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt giường bệnh, đặc biệt khi chính sách của chính phủ là các bệnh viện tiếp nhận mọi trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, kể cả những ca không có triệu chứng.
Giới chức y tế khẳng định hiện vẫn còn hơn 20.000 giường bệnh có sẵn trên toàn quốc. Để đảm bảo đủ giường bệnh, Thủ tướng Chan-o-cha cho biết giới chức y tế đang xem xét giảm thời gian cách ly đối với các trường hợp không có triệu chứng từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, với 4 ngày còn lại phải tự cách ly tại nhà.
* Ngày 24/4, Mỹ đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Ấn Độ và có kế hoạch đẩy nhanh công tác hỗ trợ Chính phủ Ấn Độ và các nhân viên y tế nước này trong nỗ lực chống dịch.
Trong thư điện tử gửi hãng tin Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: "Chúng tôi đang có những cuộc trao đổi tích cực ở cấp cao và có kế hoạch nhanh chóng triển khai hỗ trợ bổ sung cho Chính phủ Ấn Độ và các nhân viên chăm sóc y tế khi họ đang nỗ lực đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng mới nhất này".
Về phần mình, người phát ngôn Đại sứ quán Ấn Độ tại Mỹ cho biết các quan chức hai nước đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc ở nhiều cấp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng các thành phần từ các công ty Mỹ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ở Ấn Độ. Quan chức này nhấn mạnh điều quan trọng là phải hợp tác cùng nhau để xác định các "điểm tắc nghẽn" trong các chuỗi cung ứng y tế và các giải pháp khả thi để khắc phục những vấn đề này, cũng như để đẩy lùi đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh công tác tiêm chủng.
Ấn Độ đang là "tâm chấn" của thế giới trong đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới liên tục duy trì trên 300.000 ca trong khi các bệnh viện rơi vào cảnh thiếu hụt oxy y tế nghiêm trọng. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai máy bay và tàu hỏa quân sự để vận chuyển oxy từ các khu vực khác của đất nước và nước ngoài đến thủ đô New Delhi.
Theo công bố ngày 25/4, trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 349.691 ca nhiễm mới và 2.767 ca tử vong, nâng tổng số người dương tính từ đầu dịch đến nay lên trên 16,9 triệu người, với trên 2, triệu ca bệnh đang được điều trị. Từ ngày 1/5, người dân từ 18 - 45 tuổi ở Ấn Độ sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 với hi vọng nhiều người được tiêm chủng sẽ giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh trên toàn quốc. Hiện Ấn Độ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trên 1,4 triệu người.