Số đại cử tri quyết "phản thùng" ông Trump tăng kỷ lục

Theo thống kê của New York Times, trong lịch sử Mỹ, 99% đại cử tri thuận theo lựa chọn của bang. Nhưng sau cuộc bầu cử năm nay đã có ít nhất sáu đại cử tri cam kết sẽ bỏ phiếu ngược với kết quả kiểm phiếu phổ thông tại các bang của họ.

Liệu chiến thắng của ông Donald Trump và "phó tướng" Mike Pence có bị xoay chuyển bởi quyết tâm của các đại cử tri? Ảnh: AP

Ngày 22/11, tờ Politico đưa tin nếu các đại cử tri trên bỏ phiếu chống thành công thì họ có thể sẽ là những nhân vật chính rút ngắn khoảng cách chiến thắng giữa ông Trump và nữ đối thủ Hillary Clinton về số phiếu của đại cử tri.

Đại cử tri Michael Baca ở bang Colorado cho biết ông sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump. “Các nhà lập quốc đã sáng lập ra cử tri đoàn như một hàng phòng vệ cuối cùng và tôi cho rằng chúng ta nên làm tất cả để đảm bảo rằng chúng ta có một ứng cử viên Cộng hòa hợp lý, người có thể chia sẻ các giá trị Mỹ của chúng ta”, ông Baca nói.

Một số đại cử tri khác tiết lộ với Politico rằng họ cần thuyết phục thêm các đại cử tri ở đảng Cộng hòa chọn ra một ứng cử viên khác không phải là ông Trump. Tuy nhiên, họ cần phải có sự tán thành của ít nhất 15 đại cử tri khác thì mới có khả năng xoay chuyển cuộc đua.

Theo kết quả bầu cử phổ thông ngày 8/11 vừa qua, ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử với 290 phiếu đại cử tri, trong khi bà Clinton được 232 phiếu. Nếu bà có thêm 16 phiếu tại bang Michigan – hiện vẫn chưa công bố kết quả cuối cùng - thì cũng chưa hội tụ đủ con số 270 phiếu cần thiết.

Tuy nhiên, tình thế sẽ đảo ngược nếu ông Trump thất bại tại Michigan và bị ít nhất 21 đại cử tri quyết tâm bỏ phiếu trái với quy định hoặc cam kết.  Nhưng theo thống kê của New York Times, trong lịch sử Mỹ, hơn 99% đại cử tri bỏ phiếu đúng như những gì họ cam kết.

Báo Washington Post cho biết thêm dù trong trường hợp đại cử tri có giận người của đảng mình thì cũng hiếm khi bỏ phiếu cho đối thủ. Hoặc họ sẽ bỏ phiếu trắng, hoặc sẽ bỏ phiếu cho thành viên khác của đảng mình, ví dụ cho phó Tổng thống hoặc nữa thì cũng là cho một nhân vật không đảng phái.

Trong lịch sử 240 năm qua 58 kỳ bầu cử Tổng thống ở Mỹ chỉ có 157 “đại cử tri phản bội” nhưng 45% trong số này bị gắn mác “đại cử tri phản bội” là bởi vì đã qua đời ngay trước ngày bỏ phiếu chính thức (năm nay là ngày 19/12); trong 85 trường hợp còn lại thì có 3 người không đi bỏ phiếu và 82 trường hợp bỏ phiếu cho người khác. Như vậy, trung bình mỗi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ có gần 1,5 đại cử tri đi ngược cam kết, quy định.

Nếu cả ông Trump và bà Clinton không hội đủ số phiếu đại cử tri, Hạ viện Mỹ sẽ cân nhắc lựa chọn Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhưng khi đó, một đại cử tri giấu tên cho biết "sự tranh cãi và không chắc chắn sẽ ngay tức khắc thổi bùng lên một cơn bão lửa chính trị tại nước Mỹ, sẽ khiến đủ nhiều người phải nhìn nhận lại toàn bộ khái niệm về đại cử tri đoàn”.

Theo luật pháp Mỹ, ứng cử viên tổng thống nào giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, tức là trên 50% trong số 5 phiếu đại cử tri, sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nếu không có ứng cử viên tổng thống nào được quá bán thì hai người có số phiếu cao nhất sẽ được gửi lên Hạ viện.

Tại đây, tổng thống được bầu theo đa số dựa trên cơ sở mỗi bang một phiếu và ứng cử viên nào được 26 phiếu sẽ đắc cử. Với vị trí Phó Tổng thống, nếu không có ứng cử viên nào được quá bán, Hạ viện Mỹ sẽ chịu trách nhiệm bầu lại.

Hoàng Trang (theo NYDaily)
Ông Trump có thể “bỏ qua” vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton
Ông Trump có thể “bỏ qua” vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton

Chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể sẽ không theo đuổi điều tra sâu thêm về bê bối sử dụng thư điện tử (email) cá nhân trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng Mỹ của bà Hillary Clinton.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN