Sợ dính liên lụy, hãng con của Huawei ở Mỹ cắt đứt hoạt động với công ty mẹ

Một công ty con của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei chuyên nguyên cứu và phát triển có trụ sở ở Mỹ đã tự “thoát ly” với công ty mẹ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Huawei vào danh sách đen trừng phạt hồi tháng 5.

Chú thích ảnh
Logo của Huawei tại triễn lãm điện tử tiêu dùng 2019 tổ chức ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin biết rõ sự việc cho biết công ty kỹ thuật Futurewei Inc. đã cấm các nhân viên Huawei đến văn phòng của mình, chuyển các nhân viên Futurewei sang một hệ thống IT mới, cũng như cấm họ sử dụng tên và logo Huawei trong việc liên lạc.

Trước đó, nhân viên công ty Futurewei vẫn luôn hoạt động dưới danh nghĩa nhân viên Huawei do công ty này không có thương hiệu hay website riêng biệt. Tuy nhiên, bất chấp các động thái rõ ràng trên từ công ty con, “ông lớn” công nghệ Trung Quốc vẫn mang quyền sở hữu Futurewei.

Huawei và Futurewei có nhiều chương trình và hợp tác nghiên cứu với các trường đại học Mỹ. Năm ngoái, hơn 20 thành viên Quốc hội đã viết một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ, tố cáo việc hợp tác của Huawei với khoảng 50 trường đại học Mỹ có thể gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia.

Trong bức thư, họ tố cáo Huawei lợi dụng những cơ hội hợp tác để tiến hành nghiên cứu viễn thông, robot và trí tuệ nhân tạo – những công cụ sau này có thể áp dụng vào việc tấn công mạng hoặc tình báo, hoặc đem lại cho công ty Trung Quốc lợi thế cạnh tranh trước các công ty Mỹ.

Việc “thoát ly” hoạt động với công ty mẹ Huawei diễn ra trong bối cảnh nhiều trường Đại học của Mỹ dừng hợp tác nghiên cứu với Huawei theo lệnh cấm của chính phủ Mỹ.

Đại học California-Berkeley cho phép các nhà nghiên cứu tiếp tục hợp tác với Futurewei trong một giới hạn nhất định sau ngừng mọi hoạt động trao đổi thông tin và tài trợ của Huawei hồi tháng 5. Theo cuốn hướng dẫn do người đứng đầu viện nghiên cứu Berkeley biên soạn, các nghiên cứu sinh và sinh viên hiện có thể làm việc với nhân viên Futurewei là công dân Mỹ, với điều kiện không chia sẻ bất kỳ thông tin nhạy cảm nào với Huawei.

Trong một tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này không liệt Futurewei vào trong danh sách đen như đã làm với Huawei, vì xác nhận nó là một công ty Mỹ.

Một vài tháng trở lại đây, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei đối mặt với những cáo buộc làm gián điệp thông qua các thiết bị sản phẩm và đánh cắp thông tin thương mại cho Chính phủ Trung Quốc. Cả Huawei và Bắc Kinh đều lên tiếng kịch liệt bác bỏ các cáo buộc, khẳng định công ty hoàn toàn độc lập với chính phủ.

Giữa tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh cấm đơn vị cơ quan Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc bị coi là "rủi ro an ninh quốc gia".

Bộ Thương mại Mỹ sau đó đã liệt Huawei và 70 chi nhánh của nó vào danh sách đen thương mại cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho gã khổng lồ có trụ sở tại Thâm Quyến này mà không có sự cho phép của chính phủ.

Cuối tháng 5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng tuyên bố Bắc Kinh sẽ đáp trả với một danh sách đen bao gồm các thực thể và cá nhân nước ngoài “không đáng tin cậy”. Danh sách này sẽ bao gồm những cá nhân/thực thể không tuân thủ các quy tắc thị trường và gây tổn hại đáng kể đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Luật sư của CFO Huawei kêu gọi Canada chấm dứt tiến trình dẫn độ
Luật sư của CFO Huawei kêu gọi Canada chấm dứt tiến trình dẫn độ

Các luật sư của Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Câu, đã đề nghị Chính phủ Canada can thiệp để chấm dứt tiến trình dẫn độ thân chủ của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN