Nhờ chính sách duy trì lãi suất cơ bản gần bằng 0 của Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) nên số lượng doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh phá sản trong năm 2013 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Báo cáo công bố ngày 7/1 của Viện nghiên cứu về phá sản của Mỹ (ABI) cho biết, trong năm 2013, số doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh phá sản là 44.111 doanh nghiệp, giảm 24% so với con số 57.964 doanh nghiệp của năm 2012. Đây là số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin bảo lãnh phá sản thấp nhất ở Mỹ kể từ năm 2006.
Nếu tính cả doanh nghiệp và các cá nhân, số lượng đơn xin bảo lãnh phá sản giảm 13% xuống còn 1,03 triệu đơn, thấp hơn so với mức 1,19 triệu đơn trong năm 2012 và mức trung bình 1,32 triệu đơn trong 5 năm qua. Tất cả các bang của Mỹ đều có số lượng đơn xin bảo lãnh phá sản giảm trong năm 2013, trừ bang Puerto Rico có tỷ lệ tăng là 7% do suy thoái kéo dài.
Trong năm đầu tiên rơi vào cuộc Đại suy thoái 2007 - 2009, số lượng doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh phá sản tăng vọt lên tới 801.840 doanh nghiệp, tăng 40% so với 573.203 doanh nghiệp xin bảo lãnh phá sản trong năm 2006. Tuy nhiên trong vài năm qua, con số này có xu hướng giảm dần nhờ chính sách duy trì lãi suất thấp của FED, giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các khoản vay đầu tư trong khi vừa kích thích vay tiêu dùng của người dân.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm nay, số lượng doanh nghiệp và cá nhân nộp đơn xin bảo lãnh phá sản ở Mỹ có khả năng sẽ tăng nhẹ do nhiều công ty bảo hiểm y tế và dịch vụ sức khỏe phải chịu áp lực từ những thay đổi luật lệ trong khi các công ty nông nghiệp chịu áp lực do giá vật tư tăng.
TTXVN/Tin tức