Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change ngày 31/8, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Dan Shugar - chuyên gia địa mạo học và Phó Giáo sư Đại học Calgary, nêu rõ: "Chúng ta đều biết rằng không phải toàn bộ nước tan chảy từ sông băng đều chảy ngay vào đại dương. Tuy nhiên, đến nay không có dữ liệu để ước tính có bao nhiêu lượng nước này hiện đang được tích trữ trong các hồ hay trong nước ngầm".
Phát hiện này sẽ giúp giới khoa học và chính phủ các nước xác định mối đe dọa tiềm tàng cho các cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực hạ nguồn các hồ sông băng vốn thường trong tình trạng không ổn định này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng giúp dự báo chính xác hơn về mực nước biển dâng nhờ sự hiểu biết thấu đáo hơn về cách nước tan chảy từ sông băng đổ biển.
Theo một nghiên cứu trước, từ năm 1994 đến 2017, các sông băng trên thế giới, nhất là những sông băng nằm ở khu vực núi cao, đã tan chảy tổng cộng khoảng 6.500 tỷ tấn nước. Giáo sư về khí hậu Anders Levermann thuộc Viện nghiên cứu Potsdam về tác động của biến đổi khí hậu, cho biết trong 100 năm qua, 35% mực nước biển dâng bắt nguồn từ sông băng tan chảy. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác khiến mực nước biển tăng như các tảng băng tan chảy và nước đại dương tăng khi trở nên ấm hơn.
Nhiệt độ bề mặt của Trái Đất đã tăng trung bình 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp, nhưng ở các khu vực miền núi cao trên thế giới đã trở nên ấm hơn với tốc độ tăng nhiệt gấp đôi, khiến các sông băng nơi đây tan chảy. Không giống như các hồ nước thông thường khác, hồ có nguồn gốc từ sông băng tan chảy luôn trong tình trạng bất ổn định do kết cấu của nó, dễ gây ngập lụt khi bị vỡ bờ, trở thành mối đe dọa lớn đối với cộng đồng dân cư sinh sống ở hạ khu vực hạ lưu sông.
Nghiên cứu cho biết trong thế kỷ qua, các vụ vỡ hồ băng đã gây ra tình trạng ngập lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng, phá hủy nhiều làng mạc, cơ sở hạ tầng... Vụ vỡ hồ sông băng xảy ra gần đây nhất là ở Pakistan hồi tháng 5 vừa qua đã quét qua thung lũng Hunza.
Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc hồi tháng 1/2020 ước tính hơn 3.000 hồ sông băng được hình thành tại khu vực Kush - Himalayan của người Ấn Độ giáo, trong đó có 33 hồ có nguy cơ đe dọa tới 7 triệu người. Nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên 250.000 bức ảnh thu được từ vệ tinh Landsat của Cơ quan Hàng không Vũ trụ liên bang Mỹ (NASA), ước tính lượng nước của các hồ sông băng hiện nay vào khoảng hơn 150 km khối nước, tương đương với 1/3 lượng nước của hồ Erie ở Mỹ hoặc nhiều gấp đôi so với lượng nước của hồ Geneva.