Ông Erekat nhấn mạnh: "Việc gia tăng các khu định cư là một phần trong kế hoạch sáp nhập của ông Trump và (Thủ tướng Israel) Benjamin Netanyahu. Trong khi họ đang vi phạm pháp luật quốc tế, họ chối bỏ quyền hợp pháp của người Palestine".
Trong thông cáo báo chí nói trên, Tổng thư ký PLO Erekat, đồng thời là người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Palestine trong 3 thập kỷ, cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "bảo vệ khả năng thiết lập một nền hòa bình đúng nghĩa và toàn diện dựa trên luật pháp quốc tế".
Trước đó, tháng 11/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố Washington không còn xem các khu định cư của Israel tại Bờ Tây là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngày 28/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi dài 80 trang, trong đó kêu gọi giải pháp hai nhà nước, song thừa nhận Jerusalem là "thủ đô không thể chia cắt" của Israel. Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái.
Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem, đồng thời sáp nhập vào lãnh thổ nước này và tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn không thể chia cắt của mình. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, người Palestine đang nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine với các phần lãnh thổ bên trong các đường biên giới trước năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế và các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn tái khẳng định lập trường về cuộc xung đột Israel - Palestine. Nhiều nước cho biết không thay đổi quan điểm xung quanh vấn đề này, đồng thời bày tỏ quan ngại về khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và việc tiếp tục thúc đẩy xây dựng các khu định cư. Các ý kiến phản đối này cho rằng những hành động trên là trái với luật pháp quốc tế.